Chính phủ cho ý kiến đối với 3 Đề nghị xây dựng Luật

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 203/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023.

2(1).jpg

Thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi trong thực tiễn thi hành của các dự án Luật.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ trình, xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; chịu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Các Bộ, cơ quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình thực tiễn diễn biến nhanh và có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ…

Cho ý kiến đối với 3 Đề nghị xây dựng Luật

Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2023, Chính phủ cho ý kiến đối với 3 Đề nghị xây dựng Luật:

Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với các yêu cầu sau:

Tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về: Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017; chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022.

Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ việc thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới…

Về Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, Chính phủ cơ bản thống nhất với 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước như đề xuất của Bộ Xây dựng, bao gồm: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.

Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước với các yêu cầu sau:

Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; làm rõ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách phù hợp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về cấp, thoát nước; đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm khả thi và hiệu quả; tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu, vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số...

Về Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực;

Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với các yêu cầu sau:

Tiếp tục tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004 và các quy định có liên quan; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc đó; đề xuất đầy đủ các chính sách nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, khai thác, sử dụng điện...

Rà soát nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi); bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách với kết quả tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004 và kết quả đánh giá tác động của từng chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phương án sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực hiện hành phải bảo đảm sự thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…/.

Cùng chuyên mục
Chính phủ cho ý kiến đối với 3 Đề nghị xây dựng Luật