Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới GD&ĐT.
Chính phủ đã thống nhất chủ trương miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS - Ảnh: Nguyễn Síu |
Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, việc Nhà nước mới chỉ miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Mức thu học phí không quá cao nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.
Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS. Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, các đối tượng tham gia học tập được miễn học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được mở rộng hơn và mỗi năm sẽ có hàng triệu học sinh được hưởng lợi.
NGUYỄN LỘC