Chính phủ quyết tâm cùng các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh

(BKTO) - Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên, tạo mọi điều kiện để quyết tâm cùng các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lập các đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, chia sẻ, yêu cầu của người dân. Ảnh: chinhphu.vn

   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định điều này khi chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch COVID-19, tối 23/7.

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16 tại TP. HCM và 5 ngày đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam; đồng thời quán triệt sâu sắc, nghiêm túc nội dung Điện ngày 21/7 của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tỷ lệ nhiễm sẽ “đi ngang” trong vài ngày tới nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 5 ngày triển khai Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang” trong một vài ngày tới nếu TP. HCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

         
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam đã được phân bổ tổng cộng 4.883.870 liều vaccine. Tính đến 22/7, đã thực hiện tiêm 1.843.849 liều (đạt 37,7%), trong đó 1.601.131 người đã tiêm mũi 1 và 121.359 người đã tiêm mũi 2. Riêng TP. HCM đã thực hiện phân bổ 2.358.790 liều vaccine; đã thực hiện tiêm 1.039.652 liều (đạt 44,1%).
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; mặt khác nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trước đó. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.

Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương, một số cơ quan còn chưa nghiêm. Công tác chuyên môn chống dịch đã được nâng cao, điều phối hiệu quả hơn trước nhưng chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã nêu rõ những vấn đề nổi lên trong thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn, các bài học kinh nghiệm, các đề xuất, kiến nghị với Trung ương và các tỉnh, thành phố khác. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã báo cáo các giải pháp xử lý nhiều vướng mắc liên quan tới lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tổ chức sản xuất tại các nhà máy bảo đảm an toàn…; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương; lưu ý thêm một số vấn đề trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16…

Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, ngoài các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn đã có, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp:

Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của Ban Chỉ đạo quốc gia, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

         
Thủ tướng nhấn mạnh: "Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+, những nơi chưa cần thiết thực hiện Chỉ thị 16+ thì căn cứ tình hình cụ thể để thực hiện phù hợp. Quan trọng nhất là thực hiện nghiêm, tăng cường giám sát, kiểm tra, kêu gọi người dân hợp tác và nâng cao ý thức tuân thủ".
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+ theo phương châm “rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả”. Phải phân công, quy định rõ trách nhiệm, rõ nhiệm vụ của từng cơ quan và người dân. Phải thực hiện nghiêm, triệt để, chặt chẽ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế và các cơ quan nghiên cứu, tổng kết, thống nhất mô hình điều trị, trong đó quan trọng nhất là thu dung, phân loại F0 theo tình trạng bệnh để phân bổ, tập trung nguồn lực điều trị hợp lý, hiệu quả nhất. Bộ Y tế hướng dẫn, quy định về mặt chuyên môn để kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y trong điều trị COVID-19.

Các lực lượng chức năng tăng cường cao độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện giãn cách, dứt khoát, cương quyết không để xảy ra tụ tập đông người, không để "chặt ngoài, lỏng trong”. Đặc biệt, thành lập các trung tâm cứu trợ, hỗ trợ, lập các đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, chia sẻ, yêu cầu của người dân.

Thủ tướng yêu cầu tận dụng tối đa thời gian vàng, trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách phải phát hiện đầy đủ, khoanh vùng các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, sau đó dần hình thành, củng cố các vùng an toàn, vững chắc nhất có thể.

Bảo đảm kịp thời, phù hợp, đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng chống dịch; không để thiếu oxy và máy thở trong công tác điều trị.

Hết sức quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm.

Bộ Y tế, Tổ công tác đặc biệt, Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức đánh giá hai tuần thực hiện Chỉ thị 16 tại TP. HCM, rút kinh nghiệm, bổ sung về biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp.

Tăng cường kiểm soát người về từ TP. HCM và các địa phương có dịch, theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ giữa các địa phương.

Bảo vệ, củng cố các vùng an toàn (vùng xanh), khôi phục ngay sản xuất kinh doanh tại những nơi đủ điều kiện, vận động các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Ban Chỉ đạo quốc gia khẩn trương xây dựng quy chế làm việc của Tổ công tác đặc biệt, Tổ hoạt động thường xuyên, kịp thời; các thành viên phối hợp chặt chẽ, báo cáo Bộ trưởng thuộc ngành mình để chỉ đạo ngành dọc các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất để xử lý quá tải ở bệnh viện. Phân bổ vaccine công khai, minh bạch, đúng đối tượng, chống tiêu cực trong phân bổ và tiêm vaccine, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm theo quy định. Tổ chức tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, hiệu quả, an toàn.

Bộ Y tế sớm hướng dẫn để các tỉnh, thành phố xác định tình trạng không có dịch, đang có dịch, hết dịch; các tiêu chuẩn, tiêu chí để các tỉnh, thành phố biết khi nào áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+…/.
HỒNG NHUNG
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Cùng chuyên mục
Chính phủ quyết tâm cùng các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh