Chính sách hỗ trợ đang đi đúng hướng, thiết thực

(BKTO) - Tại phiên thảo luận sáng 25/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) Đào Ngọc Dung đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.



Đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các chính sách xã hội, an sinh xã hội của chúng ta được triển khai tương đối đồng bộ và có hiệu quả, đời sống nhân dân, an sinh xã hội nhìn chung được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, từ ngày 27/4 đến nay diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 2,52%, khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Một số ngành đã suy giảm năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn. Khu vực lữ hành giảm sâu 54,8%, DN dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%; khu vực vận tải giảm 0,7%; có 70.000 DN rút khỏi thị trường.

Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng là khu công nghiệp, khu chế xuất và DN sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách. Một số khu công nghiệp, DN đã tạm thời phải dừng hoạt động như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp, với 322 DN, 150.000 người lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh 42.000 người. Nhiều địa phương phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.                
   

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Trong điều kiện khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí... hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Đến nay, theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cả nước đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng.

Theo Bộ trưởng, riêng Nghị quyết số 42/NQ-CP triển khai gói 62.000 tỷ đồng năm 2020 là gói hỗ trợ triển khai trong thời điểm chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp. Tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua NSNN và các chính sách chúng ta đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó riêng về ngân sách, tiền mặt hỗ trợ trực tiếp là 13.000 tỷ đồng. Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết Nghị quyết và đề xuất các chủ trương, chính sách tiếp theo.

Thông thoáng thủ tục, tiến độ giải ngân được đẩy nhanh

Riêng đợt dịch lần thứ tư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ - TB&XH phối hợp các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền và Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

“Qua triển khai đến nay đúng 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng, nhìn chung thông thoáng về hồ sơ, rút ngắn về thời gian. Nhìn chung, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Do vậy, qua 15 ngày triển khai đến nay 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao.

Kết quả đến ngày 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.

Đồng thời, đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1; có 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại 5.922 DN đã được hưởng chính sách, 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn. Qua một tuần triển khai, đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 13.577 lao động (gấp 10 lần gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng).

Về việc triển khai Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã ký với Tổng công ty Hàng không 4.000 tỷ đồng, đến hôm nay (25/7) ngân hàng đã tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng và đã giải ngân được 600 tỷ đồng theo yêu cầu, sang tuần sau sẽ giải ngân nốt phần còn lại.

"Nhìn tổng quát cho thấy các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá và cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới cho kịp thời./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Chính sách hỗ trợ đang đi đúng hướng, thiết thực