Chính sách tài khóa: Tiếp tục mở rộng hay thắt chặt? Bài 2: Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý

(BKTO) - Chuyên gia kinh tế khuyến nghị, với mức tiềm năng tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa dè dặt hơn, tức là nên trở lại chính sách tài khóa ở trạng thái bình thường như trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.

10(1).jpg
Cần tổng kết, đánh giá các chương trình, các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Ảnh minh họa

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực

Từ năm 2020 đến năm 2024, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân cũng như các hộ sản xuất kinh doanh. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng: Điểm nhấn của chính sách tài khóa trong 5 năm qua là đã triển khai các gói tài khóa hỗ trợ lớn như miễn giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Chỉ thị nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Từ năm 2020 đến hết 6 tháng năm 2024 đã hỗ trợ lên tới 754.300 tỷ đồng… đồng thời hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn, giảm giá điện, hoãn đóng bảo hiểm xã hội; cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển dịch theo hướng bền vững hơn…

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) - cũng nhận định: Việc Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng trong thời gian qua nhằm hỗ trợ daonh nghiệp (DN) và người dân được thể hiện qua 2 thành tố quan trọng: Miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí và tiền thuê đất giúp DN và người dân có thêm nguồn tài chính; đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng.

Các chuyên gia của WB khẳng định, kinh tế Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất tích cực; do đó, việc đưa chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xảy ra sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế. Theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB - kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Cụ thể, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5%); lạm phát cơ bản tiếp tục giảm còn 2,6% trong tháng 6/2024…

Đặc biệt, NSNN thặng dư sau giai đoạn mở rộng tài khóa nhẹ. NSNN ghi nhận bội thu 4,2% GDP trong nửa đầu năm 2024 so với 1,5% trong nửa đầu năm 2023 do tăng thu từ vốn qua bán đất (+0,7 điểm phần trăm), nguồn thu từ thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng tăng (+0,5 điểm phần trăm); đồng thời, chi ngân sách giảm 1,6 điểm phần trăm từ mức 17% GDP trong nửa đầu 2023 xuống còn 15,4% GDP nửa đầu năm 2024…

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN 8 tháng năm 2024 ước đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 75,6% dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong số này, thuế TNDN ước đạt 88,2% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế; thuế GTGT ước đạt 69,9% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 63,7% dự toán, giảm 4,9% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở đó, WB nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2024 vẫn ở mức tích cực, đạt khoảng 6,1% trong năm 2024 và tăng tốc lên 6,5% trong các năm 2025–2026. Dự báo này dựa trên giả định tăng trưởng xuất khẩu tăng nhẹ trong các năm 2025-2026 khi triển vọng thương mại toàn cầu và sức cầu ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc cải thiện. Thị trường bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi vào cuối năm 2024 và đầu 2025 khi Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 8/2024…

Đưa các chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường

Đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam, WB lưu ý, khi nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19, việc giải ngân đầu tư công cần tiếp tục được đẩy nhanh để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. Chỉ cần tăng đầu tư công thêm 1 điểm phần trăm so với GDP có thể khiến GDP tăng thêm 0,1 phần trăm.

Dự kiến bội chi ngân sách sẽ giảm còn 0,8% GDP trong năm 2024, tiếp tục giảm còn 0,5% và 0,1% GDP lần lượt trong năm 2025 và 2026. Trong 2 năm tới, chi thường xuyên tiếp tục được cân đối trên cơ sở kế hoạch tài chính 5 năm đang triển khai. Số thu nội địa sẽ được cải thiện nhờ cơ sở tính thuế được mở rộng, Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập DN được sửa đổi cũng như việc quản lý thuế được cải thiện sẽ giúp tăng số thu và hỗ trợ cân đối ngân sách…

Ông Andrea Coppola cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng khá tích cực, thậm chí dự báo đạt 6,5% vào năm 2025-2026, nhu cầu sử dụng các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ giảm dần. Chính phủ Việt Nam đang tính tới việc đưa các chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường, tức là áp dụng các chính sách thuế, phí như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. “Trước mắt, với mức tiềm năng tăng trưởng như hiện nay, không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa dè dặt hơn, tức là trở lại như trước khi xảy ra dịch Covid-19” - ông Andrea Coppola nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, Việt Nam cần tổng kết, đánh giá các chương trình, các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân); sửa Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Đầu tư công… Cải cách khu vực tài chính, phát triển thị trường tài chính đồng bộ và cân bằng hơn (thị trường cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, phái sinh), giảm bớt áp lực vốn tín dụng trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, nguyên tắc chung trước khi xem xét, áp dụng chính sách tài khóa đối với mỗi giai đoạn là đánh giá, dự đoán các yếu tố tác động đến nền kinh tế từ trong nước, quốc tế. Từ đó tính toán và dự báo các yếu tố tổng thể tác động đến cân đối ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, lạm phát, tác động đến thu và chi ngân sách cũng như tình hình DN. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ các yếu tố bất lợi từ việc mở rộng tài khóa trong thời gian qua.

Nói cách khác, để bảo đảm nền kinh tế hướng tới an toàn hơn, an ninh kinh tế được bảo đảm hơn, bền vững hơn, vấn đề cơ bản là phải xác định lộ trình thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và mức độ ra sao. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để tính toán con số cụ thể nhất, chính xác nhất.

Bài 3: Phỏng vấn ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội - về chính sách tài khoá trong thời gian tới. Mời bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn trên Báo Kiểm toán phát hành ngày 19/9./.

Cùng chuyên mục
Chính sách tài khóa: Tiếp tục mở rộng hay thắt chặt? Bài 2: Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý