Hải Dương: Ưu tiên bảo vệ con người trong công tác phòng chống bão lũ

(BKTO) - Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương yêu cầu thực hiện ngay việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm trong ngày 11/9 và hỗ trợ 5 tỷ đồng/địa phương cấp huyện để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) và phòng chống lũ lụt.

11.9-hai-duong.jpg
Tỉnh Hải Dương bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. Ảnh: ST

Trưa 7/9, tâm bão số 3 (bão Yagi) đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương, gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Gió bão mạnh cấp 12, giật cấp 13. Tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 6/9 đến 19 giờ ngày 7/9 phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Đặc biệt, lượng mưa cao nhất ở Ninh Giang là 304 mm, Tứ Kỳ với 245 mm...

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh, nên đã gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng hơn 10.000 ha lúa bị đổ, khoảng 3.000 ha hoa màu bị ngập úng, 3.000 ha cây ăn quả bị gãy, đổ; 300 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi...

Nhiều mái nhà tôn, mái phi-brô-xi-măng, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc giao thông.

Toàn tỉnh bị mất điện diện rộng do nhiều cột điện bị gãy, đổ. Hệ thống viễn thông bị gián đoạn, gây mất liên lạc do đứt cáp quang, một số trạm thu phát sóng di động BTS bị đổ...

Do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đã dâng cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 2 điểm trọng yếu cấp tỉnh, 36 điểm trọng yếu cấp huyện trên các tuyến đê. Đến trưa 11/9, hệ thống sông Thái Bình đã phát lệnh báo động III, hệ thống sông Luộc ở mức báo động II.

Tại cuộc họp sáng 11/9, bàn về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo phòng chống lũ xuyên suốt là ưu tiên bảo vệ con người rồi mới đến tài sản, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, các vị trí đê xung yếu, sụt lún của tỉnh hiện đã được kiểm tra và thực hiện xử lý, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, có thể xảy ra tràn đê, vỡ đê.

11.9-hd-di-doi-dan.jpg
Huyện Nam Sách di dời người dân khỏi vùng bị ngập úng. Ảnh: ST

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, việc quan trọng nhất là phải di dời người dân để hạn chế tối đa thiệt hại nếu có tình huống xấu xảy ra.

Do đó, Bí thư tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lũ lụt, trong đó thực hiện ngay việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm trong ngày 11/9. Việc di dời cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Ưu tiên số 1 là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ người dân.

"Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về mọi mặt, các lực lượng trong tỉnh cùng vào cuộc phòng chống bão lụt. Trong đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trên địa bàn quản lý" - đồng chí Trần Đức Thắng nhấn mạnh

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Đức Thắng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền rõ về tình hình bão lụt để người dân bình tĩnh, cùng tham gia, phối hợp, hỗ trợ chính quyền trong phòng chống bão lụt.

Trước mắt, tỉnh Hải Dương hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 và triển khai công tác phòng chống bão lụt./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương: Ưu tiên bảo vệ con người trong công tác phòng chống bão lũ