Chính sách tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn thu hút được các dự án đầu tư

(BKTO) - Trong Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ đang được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đã đề cập đến nhiều ưu đãi nổi trội cho các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, nông thôn.



Miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất

Theo Dự thảo Nghị định, DN có dự án nông nghiệp thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu và giảm 50% giá thuê trong 07 năm tiếp theo. Còn DN có dự án nông nghiệp được khuyến khích đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu và giảm 50% giá thuê trong 05 năm tiếp theo.
                
   

Xây dựng chính sách cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được miễn, giảm tiền thuê đất - Ảnh minh họa: Baogialai

   

Nếu như vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất bấy lâu nay vẫn là rào cản lớn khiến các DN không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì cơ chế mới được kỳ vọng sẽ thu hút, hấp dẫn DN hơn. Dự thảo Nghị định nêu rõ, DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu thuê hoặc thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê (theo mức giá được UBND cấp tỉnh ban hành) trong 05 năm đầu tiên.

Một giải pháp đáng chú ý nữa là nếu DN góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng tối đa 10 tỷ đồng/dự án, không quá 50% tổng mức đầu tư dự án và không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, vốn vẫn luôn là bài toán nan giải đối với các DN, trong đó có các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bởi nhu cầu vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho 800 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương giai đoạn 2021-2025 lên tới 8.600 tỷ đồng. Con số này tương đương khoảng 8% tổng nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các địa phương (tổng nhu cầu khoảng 107.000 tỷ đồng).

Trước thực tế này, Bộ KH&ĐT xây dựng chính sách hỗ trợ dự kiến như sau: DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Cụ thể, mức hỗ trợ theo Dự thảo Nghị định là bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư nhà nước, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, 06 năm đối với dự án ưu đãi đầu tư và 04 năm đối với dự án khuyến khích đầu tư, tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Đáng lưu ý, hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án và phương thức hỗ trợ cụ thể do HĐND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đầu tư hạ tầng

Khi DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà tự bỏ kinh phí nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, năng lượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí - Dự thảo Nghị định nêu rõ. Mức hỗ trợ dự kiến không quá 50% kinh phí thực hiện và tối đa là 500 triệu đồng/đề tài, bản quyền, công nghệ đã được cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh trở lên thẩm định, xác nhận.
                
   

Có chính sách thúc đẩy đầu tư vào nuôi trồng thủy sản - Ảnh minh họa: Baonhandan

   

Bộ KH&ĐT cũng xây dựng quy định DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư sẽ được NSNN hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động với mức hỗ trợ 02 triệu đồng/tháng/lao động trong thời gian 03 tháng; hỗ trợ dưới 50% chi phí quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, kinh phí tham gia hội chợ trong và ngoài nước.

Nhằm khuyến khích các DN đầu tư cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cũng như đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản…, mức hỗ trợ dự kiến đối với DN đầu tư cơ sở chăn nuôi theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 được hỗ trợ không quá 50% tổng mức đầu tư dự án và tối đa là 10 tỷ đồng/dự án.

DN nuôi trồng thủy sản có quy mô tối thiểu 05 ha trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp thoát nước, xử lý môi trường. Nếu diện tích nuôi tăng lên thì mức hỗ trợ được tăng tương ứng nhưng không quá 50% tổng mức đầu tư dự án và tối đa là 10 tỷ đồng/dự án.

Đối với dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản, dự kiến DN được hỗ trợ không quá 50% tổng mức đầu tư dự án và tối đa là 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tương tự, đối với dự án cơ sở bảo quản nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, mức hỗ trợ tối đa là 05 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và không quá 50% tổng mức đầu tư dự án.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Chính sách tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn thu hút được các dự án đầu tư