Chính sách thay đổi thường xuyên: tâm lý nhà đầu tư bất ổn
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.
Có thể thấy, sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khi chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.
Sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng từ phía cầu và nguồn cung FDI thế giới cũng như năng lực tiếp nhận nguồn vốn FDI của Việt Nam đã làm chính sách và luật pháp FDI liên tục thay đổi trong từng giai đoạn. Điều này đôi khi đã tạo ra những thách thức hoặc tác động tiêu cực đến DN và ngành nghề cụ thể, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh.
Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam - ông Herbert Cochran chia sẻ, việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Chẳng hạn, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% và áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có thể “lợi bất cập hại”. Các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực này sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí có thể phải ngừng hoạt động. Người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng và tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ không những không tăng mà còn có thể giảm xuống.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là không thông dụng và không được khuyến khích. Hiện chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương - chiếm khoảng 2% dân số khu vực, là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khỏe. Trong khi đó, yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến việc tốn một khoản chi phí cao hơn mà không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - ông Adam Sitkoff cũng bày tỏ sự quan ngại về những thay đổi gần đây trong chính sách thu hút FDI. Theo ông Adam Sitkoff, những thay đổi chính sách không phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại khi thực hiện đầu tư. Thậm chí, ông Adam Sitkoff còn nhấn mạnh: các thành viên của chúng tôi thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực. Thực tế này gây khó khăn cho hoạt động của các nhà đầu tư, bất luận nó là hệ quả của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ hay thu thuế.
Đơn cử, quy định trong Dự thảo Luật An ninh mạng về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của nước sở tại mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài. Hay là, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị của Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở trong nước. Yêu cầu này không chỉ đặt Việt Nam vào trình trạng vi phạm nguyên tắc “đối xử quốc gia” theo Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà còn hạn chế cơ hội cho các DN nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên các nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook.
Ông Adam Sitkoff còn lưu ý, việc thi hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, đây là điểm bất hợp lý. Những hệ quả tiêu cực dễ thấy là các DN FDI đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc thay đổi mô hình kinh doanh, gây tổn thất cho dự án đầu tư. Các DN nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới và đầu tư nhân lực để vận hành hệ thống đó. Chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng, làm giảm khả năng chi trả của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp…
GS. Nguyễn Mại - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng đồng quan điểm cho rằng, sự thay đổi một số chủ trương của Nhà nước và tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong các chính sách và luật pháp gây ra tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư.
Theo quan sát của giới chuyên gia, khi nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia, họ sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn từ 5 đến 10 năm để ước tính lợi nhuận thu được. Những thay đổi về thuế sẽ làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu vì chi phí tăng cao, doanh thu giảm, do đó tỷ suất lợi nhuận giảm hoặc thời gian thu hồi vốn kéo dài. Bởi vậy, nhà đầu tư có thể do dự trước quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam nếu họ phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay thuế suất.
Để thu hút FDI, phải tránh tình trạng chính sách “sớm nắng, chiều mưa”
Trưởng ban Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn cho biết, đến nay, pháp luật đầu tư và pháp luật DN đã có thay đổi lớn với nhiều cam kết quan trọng. Ví dụ, Điều 13 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, thay đổi chính sách theo hướng không có lợi bằng thì nhà đầu tư được đảm bảo áp dụng theo quy định cũ. Đây là cam kết quan trọng đối với nhà đầu tư. Theo đó, sự ổn định và nhất quán của chính sách là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Lịch sử 30 năm thu hút FDI của Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành lần đầu tiên tháng 12/1987, đến nay đã trải qua 3 lần sửa đổi (năm 1990, 1992, 2000) và 3 lần thay thế bằng luật mới (năm 1996, 2005, 2014). Những điều chỉnh giữa các giai đoạn đều liên quan đến quan điểm, mục tiêu và phương thức quản lý nguồn vốn FDI. Từ năm 2005, DN FDI và các DN thuộc thành phần kinh tế khác nhau được thống nhất áp dụng quy định pháp luật chung là Luật Đầu tư và Luật DN. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng Dự thảo “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014” để khắc phục những nhược điểm, đồng thời bổ sung các nội dung có liên quan đến chính sách mới của Nhà nước.
Với vai trò liên minh quốc gia trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại, ông Herbert Cochran đề nghị: Chính phủ Việt Nam cần xem xét nghiêm túc các tác động tiềm ẩn về kinh tế và xã hội của việc thay đổi chính sách thuế, đồng thời phải xem xét lại đề xuất tăng thuế hoặc áp dụng các loại thuế mới nhằm duy trì niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, tránh những suy nghĩ tiêu cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nói như Giám đốc điều hành AmCham, điều quan trọng là luật và các quy định được thiết kế để đảm bảo thi hành một cách công bằng và bình đẳng.
GS. Nguyễn Mại cho rằng, những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách và bảo thủ, giữa mở cửa hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch. Khi nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thoáng hơn, tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Bởi vậy, theo ông Mại, Việt Nam cần hình thành định hướng và chính sách mới về FDI:
Trước hết, cần ưu tiên thu hút FDI ở một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học… Trong khi vẫn ưu tiên thu hút FDI từ các DN vừa và nhỏ, Việt Nam cũng cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này nhằm tạo ra sản phẩm mới với giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thứ hai, điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương. Chẳng hạn, đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiên quyết loại bỏ các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Đối với các địa phương và vùng kinh tế kém phát triển thì có thể lựa chọn những dự án thâm dụng lao động như dệt may, da giày… nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đầu tư thân thiện với môi trường.
Thứ ba, coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của DN trong nước.
Trên cơ sở đó, GS. Nguyễn Mại lưu ý 3 giải pháp chủ yếu sau:
Một là, khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Hai là, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư và DN.
Ba là, cởi bỏ hai nút thắt chính sách là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức.
Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự chuyển dịch không ngừng của cơ cấu và xu hướng đầu tư sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia về thu hút FDI… Tất cả những điều này đòi hỏi các chính sách FDI phải ổn định, nhất quán và bền vững hơn; tránh tình trạng “sớm nắng, chiều mưa” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương trước đó.
HỒNG NHUNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018