Điều hành chính sách tiền tệchủ động, linh hoạt
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trong năm qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Kết quả, lạm phát cơ bản từ đầu nhiệm kỳ đến nay biến động trong biên độ từ 1,4 - 2%, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để các Bộ, ngành và Chính phủ điều hành. “Đó là điểm thành công lớn nhất và xuyên suốt, có yếu tố then chốt của NHNN và hệ thống ngân hàng” - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo, NHNN đã kịp thời điều hành các công cụ thị trường để kiểm soát được ổn định mặt bằng lãi suất và khi điều kiện thị trường cho phép đã giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, với trần lãi suất cho vay hiện nay chỉ còn 6%. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành của ngân hàng T.Ư với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN, người dân vay vốn ngân hàng.
NHNN đã linh hoạt, chủ động và kiên định trong điều hành tỷ giá, bảo đảm ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường - Ảnh: THÁI ANH
Chất lượng tín dụng được củng cốvà tăng cường
Một thành công nữa là NHNN đã điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý. Với mục tiêu điều hành tín dụng đảm bảo đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng phải kiểm soát được chất lượng và đảm bảo cơ cấu tín dụng không gây rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô, tín dụng năm 2019 ước tính tăng khoảng 13,7%. Trong năm 2019, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Tuy quy mô tín dụng rất lớn nhưng NHNN đã chủ động điều tiết, đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Làm rõ hơn kết quả này, Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích, trong giai đoạn 2001-2010, tín dụng tăng bình quân khoảng 30% nhưng GDP bình quân tăng 6,82%, như vậy tăng tín dụng/GDP bằng 4,1 lần. Trong giai đoạn 2016 đến nay, tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm dưới 3 lần, đặc biệt trong năm 2018, 2019, tỷ lệ này giảm xuống dưới 2 lần, chứng tỏ hiệu quả tín dụng đã được tăng cường và củng cố. GDP tăng cao nhưng không đi kèm với mở rộng tín dụng. Đồng thời, tốc độ, chất lượng và quy mô tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Cũng trong năm 2019, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được đẩy mạnh, việc cơ cấu lại và xử lý nợ xấu được thực hiện một cách rất quyết liệt và có hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tốt hơn, công khai, minh bạch và an toàn hơn; công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là điểm sáng khi 4 năm liên tiếp, NHNN đứng đầu các Bộ về chỉ số cải cách thủ tục hành chính.
Ghi nhận và đánh giá cao thành tích đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cũng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng; tiếp tục điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. Cùng với đó, cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, DN dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. Đồng thời, chú ý công tác dự báo, ứng phó chính sách trước những biến động quốc tế và khu vực.
N. HỒNG