Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung |
Rục rịch nhiều đợt phát hành trái phiếu
Các thông tin về phát hành trái phiếu của các ngân hàng đang dần diễn ra khá nhiều trong thời gian gần đây.
Agribank là một trong những đại gia ngân hàng đang thực hiện một đợt phát hành quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành ra công chúng, kỳ hạn 8 năm và lãi suất theo lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm. Lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả cuối kỳ bình quân của các ngân hàng trong nhóm Big 4 (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) tại ngày xác định lãi suất.
Trước đó trong tháng 10/2023, một số ngân hàng khác cũng thực hiện các đợt phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài. Cụ thể, Ngân hàng MB đã thực hiện 2 đợt phát hành trong tháng này đều với kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị cả 2 đợt là 550 tỷ đồng. Mức lãi suất cao nhất được MB trả cho nhà đầu tư là lãi suất tham chiếu cộng với 2,5%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu cũng là lãi suất 12 tháng của nhóm Big 4.
Trong khi đó, Ngân hàng Bắc Á cũng đã thực hiện đợt phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, với lãi suất 2,8%/năm cộng lãi suất tham chiếu, để mở cho trường hợp nếu đến ngày mua lại trái phiếu mà tổ chức phát hành không mua lại thì lãi suất sẽ nâng lên mức bằng tham chiếu cộng 3,8%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như: Á Châu, An Bình, Quốc tế… cũng đã có các đợt phát hành trái phiếu với kỳ hạn từ 2 - 3 năm.
Động thái gia tăng các hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng đặt trong bối cảnh sức ép tăng vốn trung và dài hạn vẫn đang gia tăng. Cụ thể, từ tháng 10/2023, các ngân hàng phải tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa là 30%, thay vì 34% như trước đây. Đây là nội dung thực hiện theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Bài toán vốn cho bất động sản
Nhu cầu về vốn cho vay trung và dài hạn chủ yếu liên quan đến việc phục vụ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án công nghiệp… Đặc biệt, bất động sản cũng là lĩnh vực đang trông đợi nhiều từ nguồn vốn ngân hàng ở cả 2 góc độ vốn cho dự án kinh doanh và vốn cho tiêu dùng bất động sản.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9208/VPCP-CN ngày 23/11/2023 gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Theo công văn này, NHNN chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng khẩn trương báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng vẫn tỏ ra khá “nóng lòng” chờ đợi các giải pháp tiếp theo về vốn cho lĩnh vực này. Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng năm 2023 và đề xuất một số giải pháp về tín dụng để triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023. Theo đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, đại diện các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị NHNN xem xét “nới” một chút các điều kiện vay vốn, mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng…
Những nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp bất động sản theo đó tiếp tục đang là yếu tố làm gia tăng áp lực về nhu cầu vốn trung và dài hạn đối với các ngân hàng. Đặc biệt, việc cho vay lĩnh vực này vẫn phải trên cơ sở kiểm soát rủi ro nợ xấu khi tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này đã có diễn biến gia tăng trong thời gian qua.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9/2023 (2,89%) đã tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%).
Cơ cấu tín dụng với lĩnh vực bất động sản Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Trong 9 tháng năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng nhanh hơn so với các năm trước, nhưng tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm. |