Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu điều hành phiên họp
Trình bày đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 luật, nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với một pháp lệnh.Trong năm 2020, theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 16 dự án luật. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang đề nghị điều chỉnh Chương trình, nếu được chấp thuận thì trong năm 2020, Chính phủ sẽ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 24 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Chính phủ đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 gồm 8 dự án. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Mười một, Chính phủ đề nghị đưa 2 dự án vào chương trình thông qua là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình kỳ họp này. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, trình thông qua một dự án được “gối” từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14, đó là dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Chương trình cho ý kiến, gồm 5 dự án, gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị, kiến nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 4 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị, kiến nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Theo Chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019) và Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình năm 2021; đồng thời, cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.Tính đến hết tháng 3.2020, có 9/10 dự án luật trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; một dự án còn lại sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4.2020. Đối với 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, có 2 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, một dự án được Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình; 3 dự án dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4.2020; một dự án còn lại chưa có dự kiến đưa vào Chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về chương trình năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ việc bổ sung vào Chương trình năm 2020 (Kỳ họp thứ Mười) đối với 2 dự án luật, một dự thảo nghị quyết của Quốc hội và một pháp lệnh. Tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2020). Đưa ra khỏi Chương trình năm 2020 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lùi thời gian trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khoá XIV (tháng 10.2020) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV (tháng 10.2021). Như vậy, sau khi điều chỉnh theo ý kiến thẩm tra như trên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 là, tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020), trình Quốc hội: thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật (không bao gồm dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh được đề nghị rút ra khỏi Chương trình theo ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội). Tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2020), trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, một dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật (trong đó một dự án luật đã có trong Chương trình và 3 dự án luật mới được bổ sung). Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một dự án pháp lệnh (tháng 8.2020) và một dự thảo nghị quyết.
Toàn cảnh phiên họp
Căn cứ vào yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2021 và các năm tiếp theo, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ. Đó là đưa 7 dự án luật vào Chương trình năm 2021, trong đó có 2 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV (tháng 3.2021); 5 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV (tháng 10.2021); tán thành với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam việc bố trí thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại Kỳ họp thứ Mười một (tháng 3.2021). Tán thành với Ủy ban Về các vấn đề xã hội việc bố trí thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV (tháng 3.2021) sau khi đã được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười; trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV (tháng 10.2021), thông qua tại Kỳ họp thứ Ba (muộn hơn một kỳ so với Chính phủ đề nghị).Như vậy, dự kiến Chương trình năm 2021 cụ thể như sau: tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khoá XIV (tháng 3.2021): thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười; không cho ý kiến dự án nào. Tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khoá XV (tháng 7.2021) thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 theo quy trình tại một kỳ họp; không cho ý kiến về dự án nào. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV (tháng 10.2021) cho ý kiến 6 dự án luật.
Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Báo cáo thẩm tra đề nghị, kiến nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Ủy ban Pháp luật; cho rằng, thời gian qua trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng được nhu cầu cuốc sống cũng như yêu cầu quản lý đất nước. Mặc dù có rất nhiều luật khó trong điều kiện quỹ thời gian ít nhưng Quốc hội đã hoàn thành được những mục tiêu, chương trình đề ra; số lượng luật rút ra cũng ít hơn so với trước.
Về các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một (tháng 3.2021), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một đối với 2 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cùng với đề nghị của Chính phủ và theo dự kiến Chương trình năm 2020 được điều chỉnh, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 4 luật. Theo nguyên tắc thì 4 dự án luật này sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, gồm các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn). Tuy nhiên, năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ, cho nên trong trường hợp Kỳ họp thứ Mười một (tháng 3.2021) không đủ thời gian xem xét để thông qua tất cả các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến thì các dự án còn lại sẽ được bố trí sang Chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV (tháng 10.2021).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, mặc dù Kỳ họp thứ Mười một chủ yếu dành cho công tác tổng kết nhiệm kỳ, song việc vẫn xem xét thông qua các dự án Luật sẽ thể hiện rõ hơn vai trò của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
+ Cũng trong Phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.
Theodaibieunhandan.vn