Chống chủ nghĩa cá nhân để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

(BKTO) - Chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng”, nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ...



                
   

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu
   chỉ đạo Hội thảo - Ảnh: LÊ HÒA

   

Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 12/5 tại Hà Nội.

Nâng cao đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân

Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức cách mạng và nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn đau đáu việc Đảng, việc dân. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là bài viết sau cùng của Người về đạo đức cách mạng nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930- 03/02/1969).

GS. Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư - nhấn mạnh: Tác phẩm của Người đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc rằng, nâng cao đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân; là sự kết hợp giữa nhận thức với hành động; sự phát triển mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức; giữa Ðảng với dân, giữa chính trị với khoa học, đạo đức và văn hóa.
                
   

GS. Hoàng Chí Bảo trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo - Ảnh: LÊ HÒA

   

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung phần lớn vào việc lên án chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: “giặc nội xâm - giặc ở trong lòng còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, bởi vì nó phá từ trong phá ra”.

“Bác chỉ trích cả những người mắc bệnh công thần, tức là có một chút công trạng đã kể công với Đảng, đã đòi hỏi Đảng phải đối xử trọng đãi như thế nào. Bác viết rất nghiêm khắc, có những người vì mắc chủ nghĩa cá nhân mà biến Đảng thành một chiếc "cầu thang" để leo lên từng bậc danh vọng” - GS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Theo nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân chủ nghĩa là một quan điểm phản ánh khuynh hướng lấy việc thực hiện những mục đích và quyền lợi riêng tư làm lẽ sống, làm điểm xuất phát cho mọi suy nghĩ và hành động theo một quan niệm “lợi mình, hại người”, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể.

Khởi điểm, nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân là do mặt trái của kinh tế thị trường; bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng; đặc biệt là sự phân tâm, đứng ngoài cuộc của một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Tăng cường kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất

Đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà báo Đức Lượng cho rằng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp quan trọng, căn cơ, đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng là hai nhiệm vụ phải làm cùng lúc. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng và muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải ngăn chặn, đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Chia sẻ của đại diện các Bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị cho thấy, để chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn ngừa những căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu... đội ngũ cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về đạo đức, lối sống, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, nâng cao trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng thời, việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnhtình hình thế giới và trong nước có những diễn biến nhanh chóng, khó dự báo, nhiều vấn đề mới, phức tạp.
                
   

Đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: LÊ HÒA

   

Đặc biệt, việc chống chủ nghĩa cá nhân cũng đặt ra yêu cầu cho mỗi tổ chức đảng phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đề cao kỷ luật, kỷ cương.

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, để phát huy những mặt tích cực và hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ thì công tác kiểm tra, giám sát càng quan trọng. Tất cả đảng viên và các tổ chức đảng phải tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng và đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật thì phải xử lý nghiêm minh, dù ở bất cứ lĩnh vực nào và cấp nào...

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, mấu chốt của xây dựng Đảng về đạo đức là thực hành đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, thi hành một nền chính trị liêm khiết. Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng”, nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ...

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các cơ quan, đơn vị cần đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất. Đồng thời, xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình…/.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Chống chủ nghĩa cá nhân để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng