Chống lãng phí - nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách!

(BKTO) - Ðể nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu; trong đó, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí phải có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để làm được điều này cần sự quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị và phải trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”...

Hệ lụy rất nghiêm trọng

Lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vấn đề này nhưng hiệu quả chưa cao; việc thực hành tiết kiệm vẫn chưa thành nền nếp thường xuyên, ý thức tiết kiệm chưa trở thành ý thức thường trực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

2a.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm

Tình trạng lãng phí gây thất thoát tiền, tài sản công vẫn diễn ra khá phổ biến, có nơi và có vụ việc rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng ngân sách nhà nước và đời sống Nhân dân, khi hàng nghìn dự án, công trình, hàng chục nghìn hec-ta đất bị bỏ hoang. Gần đây nhất, thống kê tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 30/10), cho thấy, hiện có 9 dự án về xây dựng; 22 dự án về điện lực, công nghiệp; 15 dự án về giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch; 4 dự án về nông nghiệp cần xử lý để chống lãng phí.

Những tác hại và hậu quả của “căn bệnh” lãng phí nhãn tiền hay lâu dài rõ ràng ai cũng có thể nhìn thấy. Mức độ nguy hại của lãng phí cũng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra; tình trạng lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với tham nhũng, khó có thể đo đếm được. Bởi, tham nhũng ở góc độ nào đó, chỉ có thể xảy ra ở những nơi, những đối tượng có thể tham nhũng; còn lãng phí thì có thể xảy ra phổ biến ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, với mọi đối tượng trong phạm vi toàn xã hội. Không chỉ là “dự án treo”, các đại dự án thua lỗ kéo dài không được xử lý triệt để gây thất thoát, mà lãng phí còn có thể hiện diện ở bất cứ mỗi cá nhân, tập thể, đơn vị, ngay cả ở mỗi người dân khi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, kỷ luật công việc.

2c(2).jpg
Cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án gây thất thoát, lãng phí lớn. Ảnh: vietnamnet.vn

Hệ lụy của tình trạng lãng phí là rất nghiêm trọng, gây suy giảm lòng tin của người dân với Ðảng, Nhà nước, tạo rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lãng phí còn nghiêm trọng, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, đó là: Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí; việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức...

Tình trạng lãng phí cũng làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ, không khó để tìm “ví dụ điển hình” cho tình trạng lãng phí trên từng lĩnh vực, đặc biệt là lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin, lãng phí cơ hội phát triển... Đề cập đến nguyên nhân, đại biểu Quốc hội cho rằng: Còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí; chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành, nhưng tính răn đe chưa cao, chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở... Do đó, nếu công tác phòng, chống lãng phí được tiến hành thành công như công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Chống lãng phí phải trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”

Gần đây, những tín hiệu tích cực được khởi động từ việc Trung ương thống nhất nhận thức, xác định đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến hành động quyết liệt, giao việc rõ người, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm; với yêu cầu thực hiện trong toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW, ngày 29/10/2024 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực (trong đó, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công).

Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí đối với Ban Chỉ đạo, thể hiện quan điểm nhất quán của Ðảng về phòng, chống lãng phí, nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tế trong giai đoạn cách mạng mới. Bởi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quy định trong Hiến pháp, trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương từ nhiệm kỳ Ðại hội X và trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013.

Để phòng, chống lãng phí hiệu quả, triệt để, nhiều ý kiến đề xuất, các cơ quan chức năng phải rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của của Nhân dân. Hơn hết, các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí phải được làm rõ trách nhiệm, phải có người chịu trách nhiệm về việc để xảy ra lãng phí; các dự án không làm được phải kiên quyết thu hồi.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 30/10). Đó là: Lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội. Cụ thể: Khẩn trương ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí (trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí). Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm, Nhân dân bức xúc, những hạn chế tối đa làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các Luật sửa đổi để tháo gỡ điểm nghẽn và Nghị quyết thí điểm cơ chế xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sau khi được Quốc hội thông qua, góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”; khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền, tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân...

Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân thể hiện sự đồng tình cao với quan điểm của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí để đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới./.

Cùng chuyên mục
  • Lãng phí là có tội với dân
    8 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng về chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì chống lãng phí đã được Đảng ta nhận diện và xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần: Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam
    8 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Tại cuộc tiếp Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng đề nghị hai bên hợp tác trong triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam; làm tốt mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh; đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây.
  • Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam lên mức 5 tỷ USD
    8 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam lên mức 5 tỷ USD, đưa Vân Nam và Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN.
  • Việt Nam - Lào tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại
    8 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Nhân dịp tham dự Hội nghị GMS 8, ACMECS 10 và CLMV 11 tại Côn Minh, Trung Quốc, chiều 06/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
  • Khẩn trương, cấp bách trong phòng, chống lãng phí
    8 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng của lãng phí. Theo Người, lãng phí cùng với quan liêu, tham ô là tội ác và “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng luôn xác định những hậu quả nặng nề của tình trạng lãng phí, coi đó là căn bệnh nguy hiểm ngăn cản bước tiến của sự nghiệp cách mạng. Có thể thấy rõ, lãng phí cùng với tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Chống lãng phí - nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách!