Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, tránh để lãng phí nguồn lực

(BKTO) - Nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, song các đại biểu đề nghị tránh các quy định gây khó khăn, lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp trong công tác quản lý, triển khai thực hiện Luật Địa chất và khoáng sản.

051120240838-z6000358271457_37cd45c2931066b384136792183db5fa.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh QH

Quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản chiều 5/11, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận thấy, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; các điểm mới trong dự thảo Luật đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc của các địa phương. 

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) bày tỏ quan tâm tới quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác.

Đại biểu nêu rõ, thực tế thời gian qua cho thấy, việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát đã mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Theo nhận định của các chuyên gia tại Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ sạt lở, sụt lún đang diễn ra với mức đáng báo động và ngày càng nghiêm trọng hơn với nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do khai thác cát.

Đại biểu đồng tình với việc dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện như là ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị ảnh hưởng bởi hậu quả của hoạt động khai thác khoáng sản chưa được quy định rõ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về quyền lợi của người dân trong việc được các tổ chức, doanh nghiệp đền bù thiệt hại như về đất đai, hoa màu, nhà cửa… do hậu quả từ hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, nhất là trước tình huống bị sạt lở.

Đồng thời bổ sung quy định mức hỗ trợ kinh phí tối thiểu do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nhằm tạo căn cứ pháp lý và buộc các tổ cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho địa phương trong đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường, nơi thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân khai thác phải có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng dân cư nhưng chưa nêu rõ mức hỗ trợ cụ thể và cơ chế điều tiết tại các địa phương có khai thác khoáng sản, nhu cầu về phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường sống là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ hơn tỷ lệ điều tiết thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản để lại cho địa phương nhằm phục vụ công tác đầu tư hạ tầng, khôi phục môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương.

“Đây là yếu tố quan trọng để duy trì sự đồng thuận của cộng đồng nơi có hoạt động khai thác, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản” - đại biểu nhấn mạnh.

Siết quản lý, nhưng tránh gây khó cho doanh nghiệp

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), việc quy định về thời hạn khai thác và gia hạn thời hạn khai thác như dự thảo là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định về đầu tư.

2277146_g_18192305.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại hội trường. Ảnh QH

Cụ thể, theo dự thảo Luật, tại điểm a khoản 4 Điều 58 dự thảo Luật quy định: Thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm,

Điểm b khoản 4 còn quy định trường hợp thời hạn khai thác quy định như trên đã hết, kể cả thời gian đã gia hạn, mà còn trữ lượng thì được đề nghị cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, thực hiện như đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản.

“Theo Điều 44 Luật Đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Trên thực tế, nhiều dự án khai thác than đã và đang có thời gian thực hiện trên 40 năm, nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than, mỗi lần gia hạn chỉ từ 2 đến 3 năm và lại vừa làm vừa chuẩn bị xin gia hạn thời gian khai thác, đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần, rất bất cập” - đại biểu nêu.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và điều kiện địa chất khoáng sản của dự án, điều chỉnh thời hạn khai thác không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm tại điểm a khoản 4 Điều 58 dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn và khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, việc quy hoạch khoáng sản hiện nay còn manh mún, rời rạc và mang tính cục bộ, chưa đáp ứng cho sự phát triển kinh tế vùng nói riêng và phạm vi cả nước nói chung. Do đó, đại biểu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương thực hiện công tác quy hoạch bài bản, căn cơ đối với từng loại khoáng sản.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, việc đấu giá, đấu thầu khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập. Phần lớn khu vực đấu giá, đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản ở những nơi chưa được giải phóng mặt bằng. Như vậy, khoáng sản nằm dưới lòng đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nhưng đất trên bề mặt được cấp quyền sử dụng lại cho các hộ gia đình và cá nhân quản lý, sử dụng.

Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát và quy định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan; đồng thời tạo thuận lợi cho các bên khi tham gia đấu giá quyền khai thác. 

Trong khi đó, để giảm bớt lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên, để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp…

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung trong Điều 6 Phân nhóm khoáng sản, đối với Khoáng sản nhóm 4 loại khoáng sản do nguyên nhân bất khả kháng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây sạt lở đất, đường... trên vùng khoáng sản; đồng thời bổ sung thực hiện theo quy trình thủ tục rút gọn; cấp bách để đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp… 

Cùng chuyên mục
  • Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai dự án đầu tư công
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tập trung nâng cao chất lượng công tác đầu tư một cách kỹ lưỡng, từ sớm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai dự án… là những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, khi góp ý về công tác đầu công tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
  • Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Báo Kiểm toán xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.
  • Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh", tối 04/11, tại Hà Nội.
  • [TRỰC TIẾP] Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.
  • Chuyển tải thông điệp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê Công
    một tháng trước Đối ngoại
    (BKTO) - Từ ngày 05 - 08/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc. Tham dự các Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mê Công tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, tránh để lãng phí nguồn lực