Chống thất thu, kiên quyết ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước

(BKTO) - Dù nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực song số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, trong năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần kiên quyết ưu tiên giảm bội chi NSNN.



Thu vượt dự toán nhưng chưa đạt mục tiêu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016- 2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và kết quả giám sát tại một số địa phương, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, năm 2018, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu nội địa cho thấy thu NSNN còn thiếu vững chắc. Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực DN lại không đạt dự toán.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo.

Về thu từ dầu thô, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Chính phủ ước tính giá dầu thanh toán bình quân cả năm khoảng 72-73USD/thùng là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần thường xuyên cập nhật tình hình để đánh giá thu từ dầu thô sát với thực tế hơn. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước cả năm vượt 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ song đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu tăng thu tích cực hơn, không để nợ hoàn thuế đối với DN, nâng cao hơn chất lượng kiểm tra, thanh tra, chống gian lận trong hoàn thuế.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về NSNN- Ảnh: quochoi.vn

   
Về chi NSNN, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong chi thường xuyên, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, chưa thực hiện được theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Một số chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội còn chi trùng lặp về đối tượng; một số chế độ, chính sách đã ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn để thực hiện; còn hiện tượng trục lợi chính sách, gây thất thoát NSNN.

Việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn. Công tác đánh giá việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù chậm được tiến hành theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự. Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa có chuyển biến mạnh. Số lượng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do các Bộ, cơ quan trung ương quản lý chưa giảm so với các năm trước; một số quỹ trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng.

Trong chi đầu tư phát triển, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục, tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm; một số dự án bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng NSNN, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn; một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công; những tồn tại, hạn chế trong những năm trước của một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT chưa được khắc phục…

Cũng theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ ước bội chi NSNN bằng dự toán, nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực. Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh.

Tiết giảm mạnh hơn một số khoản chi

Về dự toán NSNN năm 2019, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đánh giá, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016- 2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21%GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn. Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu; rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư; rà soát, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.

Đối với chi NSNN, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quán triệt trong quản lý, điều hành phải thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN hiện hành. Ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành.

Trong chi đầu tư phát triển, Chính phủ xây dựng dự toán chi tăng 7,4% so với dự toán năm 2018, Ủy ban Tài chính- Ngân sách bản nhất trí với phương án Chính phủ trình về tổng mức song đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục chi chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại các địa phương còn khá lớn.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên bố trí đầy đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết đến hạn phải trả, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường quốc tế; tiếp tục cơ cấu lại hiệu quả hơn các khoản vay cả về kỳ hạn và lãi suất để giảm áp lực trả nợ gốc, giảm chi trả nợ lãi trong các năm tiếp theo, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Về bội chi NSNN và nợ công, theo phương án Chính phủ trình dự kiến, bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018. Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ và đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu NSNN thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%GDP). Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Ngành tài chính sẽ triển khai nhiều giải pháp chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị đã đánh giá kết quả công tác thu NSNN 9 tháng năm 2018 và thảo luận các giải pháp chống thất thu NSNN, xử lý nợ đọng thuế để hoàn thành vượt mức tối thiểu 3% so với dự toán đã được Quốc hội giao.
  • Nhiều áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016- 2018), Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương chưa có lộ trình cụ thể; ngân sách trung ương hụt thu; việc giữ và giảm bội chi theo mục tiêu đã đề ra… là những yếu tố tạo áp lực cho cân đối NSNN.
  • Thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tăng đến cuối năm
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2018, VNIndex đóng cửa ở mức 1.017,13 điểm, tăng 3,34% so với cuối năm 2017. Đây là mức tăng điểm nhẹ, nhưng giữa rất nhiều thông tin tiêu cực của thị trường chứng khoán 9 tháng qua, việc VNIndex duy trì được đà tăng là một điểm sáng so với nhiều thị trường cận biên và mới nổi khác.
  • Vì sao tạm dừng thanh toán dự án BT?
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) kể từ ngày 01/01/2018. Việc dừng thanh toán này được thực hiện cho tới khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực.
  • Thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 12/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2004/QĐ-NHNN về việc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động Công ty cho thuê tài chính II- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (ALCII).
Chống thất thu, kiên quyết ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước