Việc nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nợ chính quyền địa phương. Ảnh: Thái Anh
Công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ
Nhằm quản lý nợ chính quyền địa phương chủ động và chặt chẽ hơn, thời gian qua, nhiều địa phương đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc xây dựng kế hoạch vay nợ; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về nợ công; thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, NSNN và nợ công. Mặc dù vậy, việc quản lý, sử dụng nợ chính quyền địa phương vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay nợ địa phương chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức vay nợ. Khả năng trả nợ đã được cân đối với nguồn vốn đầu tư công nhưng tình trạng bố trí vốn không đúng mục đích, không đúng kế hoạch vẫn xảy ra. Việc chuẩn bị các chương trình, dự án chưa kỹ, chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, lập dự toán phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Kế hoạch vay, trả nợ hằng năm của địa phương chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa phối hợp chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công.
Các địa phương chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ vay cũng như trong việc bố trí các nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản nợ theo đúng cam kết, đặc biệt là các khoản vay lại của chính quyền địa phương từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.
Tình trạng lập kế hoạch thiếu, thừa hoặc không đúng đối tượng sử dụng, không đáp ứng yêu cầu về thời gian còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, phải kéo dài thời gian rút vốn, làm tăng chi phí vay nợ.
Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chưa sát sao, thiếu sự chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Chế tài xử lý vi phạm trong quản lý vẫn còn thiếu, chưa đủ mạnh, đủ tính răn đe đối với các chương trình, dự án đầu tư chậm báo cáo.
Công tác báo cáo, công bố thông tin về các khoản huy động vay nợ của địa phương chưa được coi trọng. Số liệu báo cáo, tổng hợp tình hình vay nợ và giải ngân từ các nguồn chưa đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Thời gian tới, các nguồn vốn vay ưu đãi của Việt Nam sẽ giảm dần, thậm chí phải chuyển sang vay theo điều kiện thị trường. Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương phải linh hoạt, chủ động lựa chọn, đa dạng các công cụ nợ. Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ chính quyền địa phương, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc vì đây là cơ sở tạo ra nguồn thu ngân sách bền vững, đảm bảo nguồn trả nợ công. Cùng với đó, phải triệt để tiết kiệm chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và khả năng trả nợ của địa phương. Đồng thời, các địa phương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Kế hoạch vay nợ địa phương phải gắn liền với tái cơ cấu NSNN, cơ cấu lại đầu tư công hiệu quả và kế hoạch trả nợ, tính toán kỹ các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo khả năng trả nợ.
Các địa phương cần tăng cường trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, phải đầu tư theo quy hoạch được duyệt; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư. Tăng cường rà soát, đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công. Phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết hợp hài hòa giữa ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay nợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.
Từng địa phương cần xây dựng kế hoạch vay nợ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế địa phương, kế hoạch vay nợ công của quốc gia, kế hoạch thu - chi ngân sách của địa phương theo từng giai đoạn. Cần xác định rõ mục đích vay, mức huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo từng đối tượng vay. Kế hoạch vay nợ địa phương phải rõ về đối tượng sử dụng và hiệu quả dự kiến. Các khoản vay mới của chính quyền địa phương chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch các khoản vay và trả nợ các khoản vay; tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nợ của chính quyền địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ; gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các địa phương phải thống kê nợ trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, chồng chéo; công khai, minh bạch tình hình huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ của chính quyền địa phương…
Công tác kế toán, kiểm toán về nợ công phải đảm bảo công khai, minh bạch các khoản vay, trả nợ, dư nợ của chính quyền địa phương. Kiểm toán báo cáo vay, trả nợ, dư nợ của chính quyền địa phương là một nội dung của kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương được KTNN thực hiện trước khi trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt.
Chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao trình độ, năng lực quản lý nợ công cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra, phân tích đánh giá hiệu quả, dòng tiền của các chương trình, dự án đầu tư công… để quyết định đầu tư hợp lý; cần có khả năng dự báo, nhận diện, đánh giá và cách thức xử lý các loại rủi ro liên quan đến các khoản vay nợ của chính quyền địa phương.
MINH ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019