Thị trường bán lẻ thay đổi đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

(BKTO) - Trong những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Thị trường tuy giàu tiềm năng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp.



Gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu

Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực bán lẻ những năm gần đây do quy mô dân số lớn với hơn 97 triệu người, cơ cấu dân số trẻ khi có tới 60% dân số ở độ tuổi 18-50.
                
   

Thị trường bán lẻ dự báo tăng trưởng 10,5%/năm- Ảnh: Phúc Khang

   
Theo dự báo của World Bank, chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Hiện tại có khoảng 70% dân số Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang tăng nhanh, khoảng 20%/năm, trong giai đoạn 2010-2017. Tính từ 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Tăng trưởng kinh tế, cải thiện mức sống và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Thêm vào đó, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa trong nhóm nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, do đó ngành bán lẻ được dự báo sẽ còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức đến từ nhu cầu tiêu dùng thay đổi liên tục đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chính sách linh hoạt nhằm thích nghi với những xu thế cạnh tranh dựa trên công nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường có dân số trẻ như Việt Nam.

Ngành bán lẻ đang có tiềm năng phát triển lớn nhưng đi cùng với đó là mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế, một mặt, thị trường có thêm sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nội và ngoại nhưng mặt khác, cũng có không ít doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) phải rời khỏi thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen người tiêu dùng Việt Nam để điều chỉnh các hướng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Trong khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện tháng 9/2019, các yếu tố liên quan đến Môi trường cạnh tranh, Chiến lược cạnh tranh được doanh nghiệp đánh giá là những yếu tố có ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành bán lẻ trong 3 năm tới.
                
   

Những yếu tố ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ trong vòng 3 năm tới- Nguồn: Vietnam Report

   
Đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng là yếu tố quyết định

Xét về kinh nghiệm phát triển trung tâm thương mại, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ nước ngoài vốn có mô hình hiện đại và tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang thể hiện sức mạnh trong phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích. Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước.

Hiện tại, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi (tăng gấp đôi so với hai năm trước), hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Dự kiến quý IV/2019 và năm 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước.

Dự báo được đưa ra là trong thời gian tới, khi thị trường khu vực đô thị đang dần trở nên bão hòa thì các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tập trung phát triển kênh phân phối lan tỏa đến các vùng nông thôn- khu vực đầy tiềm năng do chiếm gần 80% diện tích và hơn 70% số dân Việt Nam, đồng thời có nhu cầu mua sắm tăng theo cấp số nhân do sự cải thiện thu nhập nhanh chóng.

Xu hướng ứng dụng thành tựu cách mạnh công nghiệp 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra âm thầm và tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số.

Theo kết quả khảo sát về hành vi người dùng, trong các nhóm mặt hàng mà người tiêu dùng thường sử dụng kênh trực tuyến để mua nhất thuộc về 3 nhóm hàng chính là Đặt chỗ du lịch, vé máy bay, khách sạn (chiếm tỷ lệ 54,4%); Quần áo, giày dép (41,2%) và Thiết bị đồ dùng gia đình (38,2%).
                
   

Khảo sát hành vi người tiêu dùng mua hàng trực tuyến (thực hiện tháng 9/2019)- Nguồn: Vietnam Report

   
Thống kê gần đây được Appota công bố cho biết, Việt Nam đang nằm trong Top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người. Số người chỉ sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, nhất là ở độ tuổi từ 18-34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị khác.

Không những thế Việt Nam là nước có kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Đây chính là động lực để xu hướng mua bán online tại Việt Nam nói chung sẽ ngày một gia tăng.
                
   

Những ưu tiên của doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới, khảo sát tháng 9/2019- Nguồn: Vietnam Report

   
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các kênh thương mại điện tử dù có sự phát triển nhanh chóng nhưng các kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống trị thị trường. Khảo sát cho thấy, có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Đây cũng là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam, nhờ đó sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Thị trường bán lẻ thay đổi đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng