Chủ động phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát

(BKTO) - ​Thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phát triển mạnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp, đồng thời vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.




Cán bộ Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy phun hóa chất diệt muỗi

Bộ Y tế cho biết, ngày 20/5, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại TP. Đà Nẵng. Đây là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây. Kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay, cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận 26.857 trường hợp mắc tại 58 tỉnh, thành phố, 3 tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Trong những tuần gần đây, số mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP. HCM.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2020, toàn Thành phố đã ghi nhận 155 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại nhiều quận, huyện, chưa có trường hợp tử vong. Tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 song lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, giám sát cho thấy các yếu tố nguy cơ để bùng phát dịch vẫn hiện hữu.

Theo quy luật, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và bùng phát mạnh vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dù số ca mắc năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2019 song không thể chủ quan, bởi năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đã đạt con số kỷ lục trong 32 năm trở lại đây, với 320.000 ca được ghi nhận.

Để ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.

Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 10 (ngày 15/6/2020). Chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN
Cùng chuyên mục
Chủ động phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát