Chủ động phòng ngừa và thích ứng với thiên tai

(BKTO) - Những năm gần đây, xu thế, diễn biến của thiên tai ở nước ta ngày càng khốc liệt, phức tạp đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai. Trong bối cảnh đó, việc huy động nguồn lực tại chỗ, đồng thời chú trọng xây dựng chiến lược phòng, tránh thiên tai và thích ứng chủ động nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai là giải pháp cần được ưu tiên.



Năm kỷ lục của số lượng bão

Theo thống kê, năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Những cơn bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân mà phải sau nhiều năm mới có thể khắc phục. Trong đó, cơn bão số 10 và số 12 với sức gió trên cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đơn cử, cơn bão số 12 đã làm 123 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 22.700 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với tổng thiệt hại thiên tai trong năm 2016.

Nhận định về tình hình thiên tai năm 2017, tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Chúng ta đã nỗ lực nhưng thiệt hại còn rất lớn. Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới năm 2017, chúng ta đã thiệt hại 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1 - 1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội; đồng thời, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đáng lưu ý, năm 2017, thiệt hại về con người, tài sản trên biển đã giảm nhưng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi có xu hướng gia tăng.

Thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng về cường độ và tính chất, bất thường, khó lường, theo chiều hướng cực đoan. Điển hình trong 2 năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân...

Theo ông Lê Công Thành - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự báo, năm 2018, sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng gây ảnh hưởng đến nước ta, trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến khu vực Trung Bộ. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất là khá cao, tương đương năm 2017.

Ứng phó với “bệnh của trời”

Trong khi thiên tai ngày càng khốc liệt thì công tác phòng, chống thiên tai trong những năm qua còn hạn chế, bất cập. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, bên cạnh những kết quả đạt được, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng, chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập (điển hình là có 426 sự cố đê điều năm 2017 và 7.800 cột điện bị đổ trong cơn bão số 10); có nơi còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, huy động lực lượng đông nhưng hiệu quả thấp; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Chia sẻ thêm về công tác phòng, chống thiên tai, TS. Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - cho rằng: Đã đến lúc chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc đến phòng, chống thiên tai hay phòng, tránh thiên tai. Vì chống thiên tai rất khó. TS. Tô Văn Trường cho rằng, cần phải xây dựng chiến lược phòng, tránh thiên tai và thích ứng chủ động nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Đề cập đến những giải pháp ứng phó thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Trong phòng, chống thiên tai, phải thuận thiên trong chỉ đạo, ứng phó và xử lý hợp lý tùy theo tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội và nhân dân cùng làm. Muốn giảm thiệt hại phải lấy phòng ngừa là chính, không chỉ quan tâm ứng phó, khắc phục mà còn phải huy động mọi nguồn lực, phát huy “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đưa nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương, trong đó, quy hoạch sản xuất phải biến nguy cơ thành cơ hội, tính toán lại tái cơ cấu nền nông nghiệp...

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018
Cùng chuyên mục
  • Tháo gỡ vướng mắc về vốn cho nông dân
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại Hội nghị Đối thoại với nông dân do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sáng 09/4, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, nhiều đại biểu đã chia sẻ, việc thông tin thiếu minh bạch, rõ ràng khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thậm chí, để duy trì sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất của ngân hàng.
  • Đề xuất người nghèo được vay 100% kinh phí đi xuất khẩu lao động
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được nêu trong Dự thảo Quyết định về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo, huyện thoát nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố lấy ý kiến.
  • Tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp: Yêu cầu quan trọng đối với Kiểm toán viên nhà nước
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc đối phó với các nguy cơ, cạm bẫy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đòi hỏi Kiểm toán viên nhà nước (KTV) phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây cũng chính là nội dung được thảo luận, làm rõ tại Tọa đàm “Nâng cao đạo đức KTV và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực” do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.
  • Giáo dục đại học: Trăn trở tìm đường ra biển lớn
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế về giáo dục đại học (GDĐH) là một trong những vấn đề được ngành giáo dục chú trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi các cơ sở GDĐH cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu của các cơ sở GDĐH.
  • Kiểm soát, điều chỉnh chi phí Bảo hiểm y tế
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi vượt 18% số được sử dụng; 63/63 tỉnh, thành sử dụng vượt Quỹ KCB BHYT; vật tư y tế mỗi nơi một giá… Thực trạng này đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần có những giải pháp quyết liệt nhằm tập trung điều chỉnh những bất hợp lý trong giá dịch vụ y tế, đảm bảo hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT.
Chủ động phòng ngừa và thích ứng với thiên tai