Giáo dục đại học: Trăn trở tìm đường ra biển lớn

(BKTO) - Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế về giáo dục đại học (GDĐH) là một trong những vấn đề được ngành giáo dục chú trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi các cơ sở GDĐH cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu của các cơ sở GDĐH.



Hiệu quả chưa tương xứng với nỗ lực hợp tác

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GDĐH sẽ bảo đảm quyền lợi cho học viên, góp phần nâng cao năng lực hợp tác quốc tế và chất lượng GDĐH trong nước. Trên thực tế, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác về GDĐH. Minh chứng là, năm 2017, các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với nước ngoài về hợp tác giáo dục được triển khai hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hiện đang quản lý gần 7.000 lưu học sinh theo diện học bổng NSNN và diện hiệp định tại 46 quốc gia; hơn 15.000 lưu học sinh của 56 quốc gia đang học tập tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nhận văn bằng, tín chỉ với các nước trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới, năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã ký kết 17 thỏa thuận quốc tế, cấp phép mới 20 chương trình liên kết đào tạo, phê duyệt gia hạn 6 chương trình liên kết với quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Đáng chú ý, số chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến các trường giảng dạy và nghiên cứu liên tục tăng lên. Theo thống kê, năm học 2016-2017, tổng cộng có 3.214 chuyên gia/giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam (tăng thêm hơn 400 chuyên gia, giảng viên so với năm học trước).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hợp tác trong lĩnh vực GDĐH còn bộc lộ hạn chế. Cụ thể, trong khi số lượng văn bằng do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Việt Nam công nhận ngày càng tăng thì đến nay, Việt Nam chưa được quốc tế công nhận văn bằng. Điều này được cho là chưa tương xứng với tiềm năng và các hoạt động hợp tác của GDĐH Việt Nam với quốc tế thời gian qua. Hạn chế này cũng tác động lớn đến người lao động, nhất là khi việc chuyển dịch lao động quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới đang trở thành một xu hướng chủ đạo.

Để quốc tế công nhận văn bằng của các cơ sở GDĐH Việt Nam, những cơ sở này phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe như: năng lực chuyên môn, chuẩn đầu ra… “Làm thế nào để khung trình độ quốc gia của Việt Nam tương thích với khung tham chiếu về trình độ của khu vực. Trách nhiệm này vẫn đè nặng lên các cơ sở GDĐH” - GS.TSKH Nguyễn Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý.

Xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả hơn

Tại Hội thảo tham vấn về chiến lược GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm giúp GDĐH Việt Nam cải thiện được tình hình trên.

Như thừa nhận của chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, GDĐH còn nhiều bất cập, trong đó nổi lên các vấn đề: chất lượng của lực lượng lao động trình độ ĐH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế; hạn chế về tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững...

Trước thực trạng trên, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào GDĐH. Các cơ sở GDĐH phải tìm cách đa dạng hóa và tăng cường phân bổ các nguồn tài chính nhằm xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả và công bằng hơn. “WB cam kết hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam để xây dựng chiến lược phát triển GDĐH với kinh nghiệm toàn cầu” - đại diện WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh việc hội nhập, theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, một trong những rào cản cần sớm tháo gỡ là tình trạng cơ sở GDĐH không được chủ động nguồn kinh phí. “Quyền quyết thuộc về Bộ Tài chính, chính quyền địa phương, trong khi đó, mỗi địa phương chi một kiểu. Có nơi còn cắt bớt kinh phí dành cho giáo dục để đầu tư, chi cho các lĩnh vực khác” - GS. Giang nêu.

Chia sẻ với khó khăn của ngành GD&ĐT, song nhà giáo Phạm Toàn - Trưởng Nhóm giáo dục Cánh Buồm lại cho rằng, việc đổ lỗi tình trạng yếu kém tại các cơ sở GDĐH do thiếu kinh phí là không thuyết phục. Vấn đề nằm ở chỗ Bộ GD&ĐT phải thực sự cởi trói, cho phép các trường được tự chủ về tài chính lẫn chương trình giảng dạy thì mới mong thay đổi được tình hình.

Hiện tại, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đang được xây dựng với nhiều điểm mới, như: tăng quyền tự chủ cho các trường; sửa đổi văn bằng theo hướng bỏ nội dung liên quan đến quản lý văn bằng theo niên chế để đảm bảo hội nhập và liên thông… Sự hoàn thiện về cơ sở pháp lý cũng như những hành động quyết liệt từ nhiều phía là cần thiết để thực hiện hiệu quả hơn nữa quá trình hội nhập, giúp GDĐH Việt Nam vững vàng ra biển lớn.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018
Cùng chuyên mục
  • Kiểm soát, điều chỉnh chi phí Bảo hiểm y tế
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi vượt 18% số được sử dụng; 63/63 tỉnh, thành sử dụng vượt Quỹ KCB BHYT; vật tư y tế mỗi nơi một giá… Thực trạng này đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần có những giải pháp quyết liệt nhằm tập trung điều chỉnh những bất hợp lý trong giá dịch vụ y tế, đảm bảo hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT.
  • Tìm giải pháp quản lý taxi công nghệ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab, Uber đã trở nên quen thuộc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, việc định danh và quản lý loại hình vận tải này vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh luận. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sắp ban hành được kỳ vọng sẽ mang lại môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các DN.
  • Nguy cơ hỏa hoạn vẫn “treo” trên đầu người dân
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Các vụ việc cháy nổ để lại hậu quả nghiêm trọng thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ việc nhiều công trình không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Dù điều này đã được cảnh báo, song do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ý thức của người dân chưa cao nên những sự việc đau lòng vẫn tiếp diễn, gần nhất là vụ cháy chung cư cao tầng (CCCT) Carina Plaza tại Quận 8, TP.HCM.
  • Đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán: Trách nhiệm từ nhiều phía
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Độc lập được xem là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán được đặt ra ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong hoạt động kiểm toán, trách nhiệm không chỉ thuộc về phía Kiểm toán viên (KTV) và DN…
  • Minh bạch trong quản lý phí di tích, tiền công đức
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với công tác quản lý lễ hội nói chung, việc quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (gọi chung là di tích) cũng đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam để làm rõ thêm vấn đề này.
Giáo dục đại học: Trăn trở tìm đường ra biển lớn