Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, KTNN đã thiết lập quan hệ với hầu hết các SAI lớn trong cộng đồng Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức nghề nghiệp, nhà tài trợ song phương và đa phương. Các hoạt động đó đã hỗ trợ tích cực cho quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức và hoạt động của KTNN theo hướng tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; từng bước khẳng định vai trò, vị thế và nâng cao uy tín, hình ảnh của KTNN nói riêng và Việt Nam nói chung trong cộng đồng kiểm toán công của khu vực và thế giới. Tiến trình hội nhập của Đảng bộ KTNN trong nhiều năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2015-2020 được ghi nhận qua các dấu ấn nổi bật sau:
Xác lập vai trò nổi trội trong các thể chế đa phương
Với địa vị pháp lý được Hiến định và được thế giới đánh giá cao, KTNN Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. KTNN Việt Nam chính thức trở thành thành viên của INTOSAI vào tháng 6/1996, ASOSAI vào tháng 01/1997 và là sáng lập viên của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEANSAI) vào tháng 11/2011. Đây là các mốc thời gian quan trọng trong hoạt động đối ngoại góp phần vào quá trình hình thành, phát triển của KTNN cả về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, năng lực chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp. Vị thế, tầm ảnh hưởng của KTNN Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và thế giới, cụ thể:
Quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong khuôn khổ INTOSAI đã giúp KTNN Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình trong cộng đồng INTOSAI và trên các diễn đàn quốc tế. Với tư cách là thành viên chính thức của INTOSAI, KTNN Việt Nam cam kết đóng góp và tham gia tích cực vào các hoạt động của Tổ chức; là thành viên năng động của Nhóm công tác về Kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của INTOSAI.
Trong khuôn khổ ASOSAI, KTNN Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động nổi bật. Điển hình là tháng 9/2018, với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Ngành, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Hà Nội với chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Việc tổ chức thành công Đại hội đã chứng minh sự trưởng thành và phát triển của KTNN, tạo được niềm tin của các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế đối với năng lực tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế của KTNN, từ đó nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc không chỉ bởi những thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, những ý tưởng, đề xuất của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công mà còn bởi những dấu ấn tốt đẹp về một sự kiện ngoại giao chuyên môn cấp cao của châu lục được tổ chức trọng thị, chu đáo, an toàn, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.
KTNN từng bước nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kiến thức, kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: Như Ý
Hiện nay, với cương vị là Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đang từng bước hiện thực vai trò dẫn dắt, lãnh đạo Tổ chức trong việc thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2018-2021 và các cam kết tại Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, vị thế của ASOSAI đã được nâng tầm trở thành một tổ chức khu vực kiểu mẫu của INTOSAI, đồng thời, KTNN Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ ASEANSAI và quan hệ ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia, KTNN thể hiện vai trò sáng lập viên và Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI thông qua việc chủ trì xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các Kế hoạch chiến lược ASEANSAI giai đoạn 2014-2017 và giai đoạn 2018-2021 cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngày càng bền vững giữa 3 Cơ quan Kiểm toán tối cao Việt Nam - Lào - Campuchia.
Có thể nói, thông qua các hoạt động hợp tác đa phương với các tổ chức, các SAI khu vực và quốc tế, KTNN có cơ hội học hỏi và thực hành kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ công tác chung của Ngành. Đồng thời, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và nâng cao uy tín, trở thành đối tác tin cậy của bạn bè thế giới.
Mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức hội nhập
Trải qua quá trình củng cố và thiết lập, KTNN đã có mối quan hệ vững chắc và sâu rộng với KTNN nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tại, KTNN Việt Nam đã ký gần 30 thoả thuận hợp tác song phương với các cơ quan kiểm toán tối cao trên khắp các châu lục cũng như các tổ chức chuyên môn quốc tế. Với vai trò đại diện cho ASOSAI, KTNN đã thiết lập và mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức làm việc khu vực của INTOSAI gồm: Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu - EUROSAI, châu Phi - AFROSAI, khu vực Ả Rập - ARABOSAI, khu vực Thái Bình Dương - PASAI, khu vực Caribe - CAROSAI, khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe - OLACEFS.
Cùng với đó, KTNN đã kết hợp linh hoạt các cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các hình thức hội nhập, hợp tác mới như: đào tạo từ xa, biệt phái hoạt động quốc tế, kiểm toán song song, kiểm toán chung… KTNN đã tổ chức học tập, tiếp thu nhiều kinh nghiệm thiết thực về các vấn đề như: xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức và hoạt động của KTNN; tuyển dụng, đào tạo, xây dựng ngạch bậc, phân công, phân nhiệm cán bộ; mô hình và chương trình đào tạo kiểm toán viên; lập báo cáo kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán; các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới như: kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán dự toán NSNN, kiểm toán nợ công, phòng, chống tham nhũng.
Năng lực chuyên môn tiệm cận với trình độ khu vực
Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, từ một ngành không có tổ chức tiền thân, nay KTNN đã trở thành ngành có uy tín, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế tín nhiệm với quy mô khiêm tốn gần 3.000 người. Tập thể cán bộ, kiểm toán viên của KTNN đã nỗ lực học tập nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đồng thời tự tin tham gia và khẳng định vai trò nổi trội trong hoạt động hội nhập quốc tế.
Xác định rõ nâng cao năng lực kiểm toán là trụ cột trong tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế, Đảng bộ KTNN đã lãnh đạo toàn Ngành từng bước nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kiến thức, kinh nghiệm quốc tế, ngày càng hoàn thiện năng lực chuyên môn theo hướng tiệm cận với trình độ khu vực.
Sau khi Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) được chính thức thông qua tại Đại hội INTOSAI lần thứ 20 vào năm 2010, nhận thức rõ vai trò quan trọng mang tính tiền đề của ISSAI, năm 2016, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN Việt Nam theo hướng tiếp thu ISSAI một cách có chọn lọc. Việc xây dựng hệ thống chuẩn mực theo các cấp độ và theo ba loại hình kiểm toán là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tính chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn của KTNN.
Hoạt động hội nhập không chỉ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn trau dồi thêm kinh nghiệm thực tiễn cho kiểm toán viên. Ngay từ những ngày đầu thành lập, mỗi năm, KTNN đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn và dài hạn tại nhiều nước trên thế giới về các lĩnh vực cần thiết. Trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thoả thuận hợp tác song phương, những năm gần đây, nhận thức được vai trò “cầu nối tri thức” của hoạt động hội nhập quốc tế, bên cạnh các chương trình đào tạo nội bộ, KTNN đã đẩy mạnh hoạt động mời chuyên gia nước ngoài trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp kiểm toán, tổ chức tổng hợp, phổ biến nhiều tài liệu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn phục vụ hiệu quả cho quá trình xây dựng, sửa đổi Luật KTNN và hoàn thiện các tài liệu chuyên môn.
Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VI cũng là nhìn lại dấu ấn 5 năm phấn đấu và trưởng thành trong hoạt động hội nhập của KTNN. Với tinh thần chủ động, tích cực cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban cán sự đảng và tập thể lãnh đạo KTNN, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành căn bản và toàn diện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Trong thời gian tới, Đảng bộ KTNN quyết tâm đẩy mạnh tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm các SAI trong việc ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục thể hiện xuất sắc vai trò dẫn dắt trong cộng đồng ASOSAI, đặc biệt là tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15 sắp tới, đồng thời không ngừng bồi đắp, nâng cao vị thế và vai trò của KTNN trên trường quốc tế.
Với tinh thần chủ động, tích cực cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy, Ban cán sự đảng và lãnh đạo KTNN, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành căn bản và toàn diện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN khóa VI nhiệm kỳ 2015-2020. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ KTNN xác định lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột, tiếp tục chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, khơi thông dòng chảy kiến thức và kinh nghiệm, không ngừng bồi đắp vai trò và vị thế của KTNN trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo dựng vị thế đối ngoại chung của đất nước. |
Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước