Chủ động tiêm vắc xin sốt xuất huyết, phòng ngừa biến chứng nặng

Trong bối cảnh tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và ca bệnh nặng liên tục tăng, người dân cần chủ động diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt và tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa.

khach-tiem-vac-xin-sot-xuat-huyet-tai-vnvc.png
Tiêm vắc xin để giảm tỷ lệ mắc và biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết

Gia tăng các ca bệnh nặng

Cả nước đang bước vào mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết, khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tính đến giữa tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% tổng số ca. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và TP. HCM tăng 151,4%.

Gần đây, một số bệnh viện lớn trên địa bàn TP. HCM đã bị quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết với hàng trăm ca rơi vào sốc do sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhi và người lớn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo thống kê, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận 4 trường hợp tử vong trên tổng số gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng có gần 2.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó 4 ca đã tử vong.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết, khoảng 20-30% bệnh nhi đến khám do sốt xuất huyết đã phải nhập viện do có dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 50-60 bệnh nhân nặng với nhiều ca rơi vào biến chứng sốc, suy đa cơ quan khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

“Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu mắc và trở nặng ở trẻ nhỏ thì hiện độ tuổi mắc có khuynh hướng chuyển sang nhóm trẻ lớn hơn từ 10-15 tuổi và người lớn, cho thấy bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết” - bác sĩ Tuấn cho hay, đồng thời cảnh báo năm 2025, sốt xuất huyết có khả năng bùng phát rất cao vì rơi vào chu kỳ dịch 3-5 năm, tương tự đợt dịch lớn năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc và 140 ca tử vong.

Đáng chú ý, theo các nghiên cứu giám sát dịch tễ, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4). Tuy nhiên, hiện tuýp virus Den-2 đang chiếm ưu thế trong cộng đồng so với Den-1 trước đây. Đây là chủng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sốt xuất huyết nặng và hội chứng sốc do sốt xuất huyết, đồng thời liên quan đến các đợt bùng phát dịch cao hơn. Sự thay đổi tuýp virus gây bệnh cũng tạo ra khoảng trống miễn dịch, khiến số ca sốt xuất huyết dễ tăng cao. Nguy hiểm hơn, người đã từng mắc các tuýp virus khác trước đây cũng có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi tái nhiễm với tuýp virus Den-2.

Chủ động tiêm vắc xin - giảm tỷ lệ mắc và biến chứng

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Một số người mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt, chủ quan tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh có thể đột ngột trở nặng ở giai đoạn giảm sốt hoặc hết sốt từ ngày thứ 3 - 7.

08072025thuy58.jpg
Phun hóa chất diệt muỗi để chủ động phòng sốt xuất huyết

Lý giải về cơ chế tái nhiễm của sốt xuất huyết, BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, cơ thể tạo kháng thể đặc hiệu dài hạn chống lại type virus đó và có miễn dịch chéo tạm thời với các type khác khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, khi tái nhiễm với một tuýp virus khác, kháng thể cũ có thể liên kết với virus Dengue mới gây hiện tượng “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE), khiến cơ thể không đủ khả năng trung hòa và tiêu diệt virus.

Để chủ động phòng ngừa mắc sốt xuất huyết, Việt Nam đã chính thức sử dụng vắc xin sốt xuất huyết Takeda (Nhật Bản) từ tháng 9/2024. Vắc xin phòng ngừa đầy đủ 4 type virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4), được chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.

Bác sĩ Chính lưu ý, người dân cần tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm, không đợi cao điểm mùa dịch mới tiêm chủng. Bởi sau tiêm, vắc xin cần trung bình 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng, tốn kém chi phí điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc sốt xuất huyết. Trong khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người có các bệnh lý mãn tính càng có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng và kéo dài sau khỏi bệnh. Vì vậy, bên cạnh tiêm vắc xin sốt xuất huyết từ sớm, người dân nên chủ động diệt muỗi, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt bằng cách dùng bình xịt, các dụng cụ diệt muỗi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước thải, nước đọng, nuôi cá trong bể nước để diệt bọ gậy; mặc quần áo dài tay, ngủ màn…

Cùng chuyên mục
  • Bệnh viện E chính thức đưa AI vào công tác khám, chữa bệnh
    3 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Trí tuệ nhân tạo VEM.AI - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nhân viên y tế trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện E - là nền tảng AI tạo sinh đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ bác sĩ trong khám, chẩn đoán, điều trị và quản lý hồ sơ bệnh án.
  • Rộn ràng các hoạt động văn hóa - du lịch đặc sắc năm 2026
    3 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước, hàng loạt các sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc sẽ được tổ chức trong năm 2026.
  • Quy định chương trình, thời lượng dạy nâng cao trong trường chuyên
    3 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường trung học phổ thông chuyên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mũi nhọn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.
  • Phát động thiết kế logo Kỷ niệm 80 năm Tổng tuyển cử đầu tiên
    3 ngày trước Xã hội
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định tổ chức thiết kế Biểu trưng (logo), bộ nhận diện, phục vụ công tác tuyên truyền các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026).
  • Vai trò "đầu tàu" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
    4 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Báo cáo tại Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030 của Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định vai trò "đầu tàu" đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chủ động tiêm vắc xin sốt xuất huyết, phòng ngừa biến chứng nặng