Chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thiên tai

(BKTO) - Theo dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2021, sẽ xuất hiện từ 12-14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; lũ trên các hệ thống sông chính sẽ ở mức từ báo động 2 đến báo động 3; lũ quét sạt lở đất, ngập lụt sẽ đến sớm hơn so với những năm trước đây…




                
   

Tình hình mưa lũ được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới - Ảnh: baochinhphu.vn

   

6 tháng, thiên tai làm thiệt hại hơn 132 tỷ đồng

Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 6 tháng năm 2021, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước, với 2 cơn bão trên Biển Đông; 59 trận động đất nhẹ, 137 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không khí lạnh; 14 trận mưa lớn, lũ cục bộ; 2 trận lũ quét và 60 điểm sạt lở bờ sông… làm 25 người chết, 31 người bị thương, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 132 tỷ đồng.

Ngay sau các đợt thiên tai, Bộ NN&PTNT đã tổ chức những đoàn công tác phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT và hướng dẫn, đôn đốc địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh, phục hồi sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ và cấp gần 1.632 tỷ đồng để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất. Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả phân bổ nguồn lực hỗ trợ và việc triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương kịp thời, hiệu quả, minh bạch. Tính đến tháng 5/2021, đã tạm cấp 1.570 tỷ đồng cho các tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ; hỗ trợ 61,8 tỷ đồng cho 04 tỉnh miền núi phía Bắc đã hoàn thành việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, công tác PCTT đã triển khai toàn diện và thực hiện nhiều nội dung quan trọng, có chất lượng tốt; đặc biệt là việc xây dựng và ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện và phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT…

Tuy nhiên, công tác PCTT vẫn còn một số hạn chế; trong đó, Chương trình tổng thể PCTT quốc gia đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt Khung đề cương - dự toán xây dựng chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản giao kinh phí thực hiện nên chưa tổ chức triển khai được các bước tiếp theo; công tác đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCTT triển khai còn chậm do thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ngoài ra, chưa tổ chức được các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT để kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT và tìm kiếm, cứu nạn ở các địa phương; chưa xây dựng được phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng thiên tai, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, 6 tháng cuối năm 2021, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ diễn biến hết sức phức tạp trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; lũ trên các hệ thống sông chính dự báo ở mức từ báo động 2 đến báo động 3, cao hơn năm 2020. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung bộ; đỉnh lũ tại hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2, báo động 3...

Trong khi dịch Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cộng thêm thiên tai thì thách thức rất lớn, nhất là trường hợp phải sơ tán người dân nếu môi trường không bảo đảm sẽ khiến dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm rộng trong cộng đồng.

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai và kế hoạch công tác năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hàng đầu được Tổng cục đề ra là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều, công trình PCTT trong mùa mưa bão. Đặc biệt theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ công trình đê điều, hồ đập xung yếu.

Để chủ động ứng phó, khắc phục và giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục PCTT tập trung nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo, trong đó chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn; công tác PCTT cần quyết liệt hơn, gắn trách nhiệm với địa phương nhiều hơn. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát kỹ những công trình đang thi công ở nơi có nguy cơ sạt lở để nắm được danh sách công nhân và yêu cầu di dời tuyệt đối.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công tác PCTT còn nhiều thách thức, do đó cần xây dựng kịch bản chi tiết tại các địa phương trước các tình huống thiên tai, không để lặp lại hình ảnh người dân leo lên mái nhà cầu cứu như trong mưa lũ vào tháng 10 năm ngoái; đặc biệt chú trọng đến vấn đề di dời người dân và có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thiên tai