Chủ động và tích cực chuẩn bị tốt nhất để tổ chức Đại hội ASOSAI 14

(BKTO) - (Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - PhóTrưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toántối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểmtoán).




Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Kính thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, tại Đại hội ASOSAI 13 diễn ra ở Malaysia, KTNN Việt Nam đã được phê chuẩn là SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này?

- Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Quốc hội, cùng với sự nỗ lực của KTNN trong việc ứng cử đăng cai Đại hội ASOSAI, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 13 diễn ra ở Malaysia, KTNN Việt Nam lần đầu tiên được phê chuẩn là SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018. Đây là sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của ngành KTNN còn khá trẻ trong phạm vi khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là cơ hội cho KTNN Việt Nam tiếp thu, vận dụng các kiến thức, chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung cũng như các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực cho KTNN Việt Nam.

Việc đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đồng nghĩa với việc KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong suốt giai đoạn 2015-2024. Đây sẽ là cơ hội để KTNN Việt Nam khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, tạo được sự tin cậy của các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế đối với năng lực tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, từ đó nâng uy tín, hình ảnh, tầm ảnh hưởng và vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng khu vực và thế giới những văn kiện quan trọng bao gồm các chính sách, giải pháp và công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề trên cơ sở chủ đề chuyên môn lĩnh vực kiểm toán công được lựa chọn.

Hơn nữa, trong bối cảnh địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định theo thông lệ quốc tế, Đại hội ASOSAI 14 là điểm nhấn quan trọng, có tác động lan tỏa trong công chúng đối với việc nâng cao vai trò của KTNN - thiết chế giám sát độc lập, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công và xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, vững mạnh.

Đại hội ASOSAI 14 còn là dịp để giới thiệu về hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển, đổi mới, năng động, thân thiện. Các đại biểu đến từ nhiều quốc gia sẽ có cơ hội khám phá và tìm hiểu về đất nước, con người và nền văn hóa, cũng như những thành tựu phát triển của đất nước Việt Nam.

Tại Kỳ họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 51 diễn ra ở Indonesia vào tháng 02/2017 và cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo (BCĐ) Đại hội ASOSAI 14 vừa qua, những nỗ lực trong công tác chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI của KTNN Việt Nam đã được ghi nhận và đánh giá cao. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết ý kiến đánh giá khái quát những kết quả chính đã đạt được?

- Ngay từ khi chính thức được lựa chọn là SAI chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14, KTNN Việt Nam đã sớm triển khai tích cực công tác chuẩn bị Đại hội. Cụ thể, ngày 06/10/2015, KTNN ban hành Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ, huy động các nguồn lực của KTNN để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của KTNN trong khuôn khổ ASOSAI và các tổ chức quốc tế mà KTNN là thành viên; nâng cao năng lực chuyên môn và thể chế của KTNN theo thông lệ quốc tế; góp phần thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Đặc biệt, với tinh thần tích cực và chủ động, KTNN đã xây dựng Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Ngày 25/01/2017, Đề án đã được UBTVQH ban hành kèm theo Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 (NQ 345). Đề án xác định, Đại hội sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, từ 16-22/9/2018 tại Hà Nội và một số địa điểm lân cận. Các sự kiện chính của Đại hội bao gồm: Kỳ họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 52 và 53; Phiên khai mạc; Phiên họp toàn thể lần thứ nhất; Phiên họp toàn thể lần thứ hai; Hội nghị chuyên đề lần thứ 7. Chủ đề của Đại hội dự kiến xác định là: "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững". Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện đặc biệt nhằm tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất của Đại hội và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển của ASOSAI giai đoạn 2018-2021, trong đó chú trọng vào việc chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên.

Cùng với đó, BCĐ tổ chức Đại hội ASOSAI 14 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng ban đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tại cuộc họp lần thứ nhất mới đây, BCĐ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI 14 của KTNN trong thời gian qua.

Tại cuộc họp vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng BCĐ Đại hội Phùng Quốc Hiển đã có những chỉ đạo quan trọng; trong đó nêu cao tinh thần quyết tâm tổ chức Đại hội trọng thị, chuyên nghiệp, chu đáo, an toàn và tiết kiệm. Vậy, với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ, hiện nay và trong thời gian tới, KTNN sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như thế nào để đạt kết quả tốt nhất yêu cầu đặt ra?

- Triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, KTNN - với vai trò là cơ quan thường trực - sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo đúng tinh thần NQ 345 của UBTVQH, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: thành lập Ban tổ chức (BTC) chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14; hoàn thiện các tiểu ban giúp việc cho BTC phù hợp với yêu cầu và nội dung của Đề án tổng thể; BTC xây dựng kế hoạch công tác, kịch bản tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội, báo cáo Trưởng BCĐ; các tiểu ban xây dựng các kịch bản, chương trình làm việc chi tiết cho từng hoạt động cụ thể theo nội dung của Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp BCĐ lần thứ nhất, đảm bảo công tác tổ chức Đại hội được chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, được triển khai một cách chủ động, đúng kế hoạch đã phê duyệt. Công tác chuẩn bị chu đáo, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các cơ quan hữu quan, một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của Đại hội chính là phát huy mọi nguồn lực và sự vào cuộc của toàn ngành, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết ý kiến chỉ đạo và yêu cầu đặt ra để phát huy tốt yếu tố này?

- Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 tại Việt Nam là một sự kiện quốc tế cấp cao, có quy mô lớn nhất so với các kỳ Đại hội trước đó, với sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ 46 quốc gia và một số tổ chức quốc tế với các trưởng đoàn hầu hết là Tổng Kiểm toán Nhà nước (cấp bộ trưởng hoặc cao hơn) đồng thời, bên lề Đại hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Điều này đòi hỏi công tác chuẩn bị cho Đại hội phải đảm bảo kỹ lưỡng, chu đáo, đầy đủ, chuyên nghiệp thông qua chỉ đạo, định hướng sát sao của BCĐ và sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các tiểu ban theo từng mảng công việc.

Với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ và BTC Đại hội, nhiệm vụ của KTNN trong thời gian tới sẽ hết sức nặng nề. Hầu hết nhân lực tham gia trực tiếp tổ chức và phục vụ Đại hội sẽ là công chức, viên chức của KTNN. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ được đánh giá là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và các điều kiện khác để đáp ứng mọi yêu cầu cả trước, trong và sau Đại hội. Theo đó, yêu cầu đặt ra là KTNN phải sớm tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức trong ngành một cách toàn diện về chuyên môn, ngoại ngữ; kỹ năng tổ chức, điều hành sự kiện quốc tế, lễ tân ngoại giao; kiến thức chung (văn hóa, lịch sử, địa lý,...) và các thông lệ để tổ chức tốt Đại hội ASOSAI 14, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

NGỌC MAI (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Chủ động và tích cực chuẩn bị tốt nhất để tổ chức Đại hội ASOSAI 14