Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế (giai đoạn 2) - Kỳ cuối: Chậm tiến độ làm tăng chi phí đầu tư

(BKTO) - Theo quyết định phê duyệt ban đầu, Dự án Hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Dự án) hoàn thành sau 5 năm kể từ ngày cấp vốn (năm 2005), tức là năm 2010 dự án hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2015), Dự án vẫn chưa hoàn thành và mốc dự kiến đến hết năm 2015 mới cơ bản hoàn thành tất cả các gói thầu để bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2016. Tiến độ thi công kéo dài đã làm “đội” chi phí đầu tư, đồng thời hạn chế phần nào hiệu quả của Dự án.




Dự án Hồ Tả Trạch bị chậm tiến độ 6 năm do thiên tai Ảnh: TK

Dự án chậm tiến độ 6 năm

Theo Hợp đồng kinh tế, thời gian hoàn thành của các gói thầu đều trước năm 2012, nhưng quá trình thực hiện tất cả các gói thầu đều chậm tiến độ và phải nhiều lần thực hiện gia hạn tiến độ. Cụ thể, gói thầu 18 - Tràn xả lũ - gia hạn 4 lần, chậm 1.399 ngày so với hợp đồng ban đầu; gói thầu 12 gia hạn 4 lần, chậm 1.173 ngày; gói thầu 15 - Kênh dẫn và kênh xả - gia hạn 3 lần, chậm 1.388 ngày; gói thầu 20 - Đập chính - gia hạn 4 lần, chậm 898 ngày. Đến thời điểm kiểm toán, trừ gói thầu 18 đang hoàn chỉnh một số hạng mục cuối cùng (gia hạn đến 31/8/2015), các gói thầu 12, 15, 16 đã hoàn thành nhưng chưa có biên bản nghiệm thu hoàn thành bàn giao. Như vậy, tiến độ hoàn thành của Dự án đã chậm 6 năm so với quyết định phê duyệt ban đầu.

Nguyên nhân khách quan của việc chậm tiến độ, theo kết quả kiểm toán, là do điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, diễn biến khó lường cùng với ảnh hưởng của các đợt mưa lũ kéo dài trong năm 2008, 2009 và đợt bão lũ năm 2010, 2012, làm cho việc thi công bị đình trệ.

Cùng với đó, Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ là do đơn vị tư vấn thiết kế không lường hết được tính chất phức tạp của địa chất Dự án dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế, làm chậm tiến độ thi công các gói thầu. Theo đó, địa chất khu vực xây dựng Dự án phức tạp nhưng công tác khảo sát địa chất, địa hình không phản ánh chính xác diễn biến địa chất, xác định cấp đất, đá chưa chính xác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến phải thay đổi thiết kế Tràn xả lũ từ tiêu năng mũi phun sang tiêu năng đáy bể, làm phát sinh khối lượng các loại đất, đá và làm thay đổi giá trị dự toán xây lắp công trình (gói thầu 18); xử lý thay đổi, bổ sung phương án thiết kế (gói thầu 20: xử lý lạch sông và đất xấu, xử lý khe thi công…); khảo sát trữ lượng đất đắp thiếu chính xác nên trong quá trình thi công gói thầu 20 phải bổ sung thêm mỏ, gói thầu 12 phải điều chỉnh dung trọng đất đắp ở hạng mục đập phụ 4, phải bổ sung chi phí hạng mục lên hơn 15,7 tỷ đồng.

Mặt khác, khi thiết kế bổ sung cọc khoan nhồi đáy bể tiêu năng Tràn xả lũ (gói thầu số 18), đơn vị tư vấn thiết kế lựa chọn công nghệ khoan chưa phù hợp (khoan đập cáp) dẫn đến tiến độ thi công chậm. Để kịp thời phục vụ cho công tác chặn dòng quá trình thi công phải điều chỉnh sang công nghệ khoan xoay phản tuần hoàn làm tăng chi phí đầu tư gần 10 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng khối lượng một số hạng mục tính toán chưa chính xác như tính trùng, tính sai khối lượng. Công tác lập dự toán bổ sung, điều chỉnh một số gói thầu cũng chưa chính xác, điển hình là việc bù giá sai cấp phối bê tông 2,2 tỷ đồng do tính toán chưa chính xác về cự ly và cấp đường tại thời điểm thanh toán.

Ba lần phải điều chỉnhtổng mức đầu tư…

Theo KTNN, qua công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán do Phòng thẩm định kỹ thuật - dự toán, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Chủ đầu tư) thực hiện, đã phát hiện các thiếu sót và loại trừ nhiều chi phí bất hợp lý của các gói thầu. Tuy nhiên, do quy mô các gói thầu lớn, thời gian thi công kéo dài, nhiều lần thay đổi, điều chỉnh chế độ, chính sách nên qua công tác kiểm tra vẫn còn một số sai sót như đã nêu trên chưa được phát hiện dẫn đến làm tăng giá trị dự toán được phê duyệt.

Cụ thể, như đã nêu ở kỳ trước, tổng mức đầu tư Dự án được duyệt ban đầu hơn 1.081 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án đã có 4 lần điều chỉnh, trong đó 1 lần điều chỉnh cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư, 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo Quyết định 4129/QĐ-BNN-XD ngày 29/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần cuối là hơn 3.848 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng so với tổng mức điều chỉnh năm 2008 (thời điểm bắt đầu khởi công các hạng mục chính của Dự án).

Theo Báo cáo kiểm toán, nguyên nhân của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do: tăng do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật của Dự án 489 tỷ đồng; tăng do yếu tố trượt giá và thay đổi chế độ chính sách gần 700 tỷ đồng. KTNN đánh giá, nhìn chung, công tác điều chỉnh dự án cơ bản đảm bảo quy định, không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu Dự án. Tuy nhiên, hồ sơ điều chỉnh dự án chưa nêu khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn cho phần tăng thêm của Dự án. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản thống nhất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, cân đối, tổng hợp bổ sung một phần vào nguồn vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những tồn tại trong công tác khảo sát chưa đúng, đủ nội dung theo quy định; tính toán chi phí dự phòng chưa chính xác, thiết kế - dự toán sai khối lượng, sai đơn giá, đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng, nghiệm thu khối lượng thanh toán giai đoạn, công tác hoàn công công trình chưa đảm bảo quy định.

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế (giai đoạn 2) - Kỳ cuối: Chậm tiến độ làm tăng chi phí đầu tư