Chủ tịch Quốc hội: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, rõ trách nhiệm giải trình

(BKTO) – Sáng 23/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.



                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện

Thay mặt Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích của cuộc giám sát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trong đó, chuyên đề giám sát sẽ tập trung làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm, đặc biệt là mối quan hệ và bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của chính sách, pháp luật; làm rõ ưu, nhược điểm của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung, lĩnh vực giám sát; xác định trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng giám sát liên quan đến từng nội dung giám sát.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường trìn bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý nhằm phát huy các kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế...

Nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: nguồn lực (vật lực, tài lực), nhân lực; việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.

Trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát sử dụng kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; về công tác y tế cơ sở và y tế dự phòng để làm nguồn thông tin phục vụ giám sát.

Theo kế hoạch, phạm vi giám sát được xác định trên phạm vi cả nước, thời gian giám sát từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022.
         
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 Bộ, ngành và 12 địa phương. Về tiến độ, dự kiến, trước ngày 31/3/2023, Đoàn giám sát hoàn thiện Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, phim minh họa và Dự thảo Nghị quyết để báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 4/2023. Báo cáo kết quả giám sát và Dự thảo Nghị quyết sẽ được Đoàn giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Sử dụng triệt để kết quả thanh tra, kiểm toán để làm rõ vấn đề

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá cao Đoàn giám sát đã khẩn trương triển khai các công việc và chuẩn bị tài liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu để UBTVQH có cơ sở xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một chức năng quan trọng của Quốc hội là thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng pháp luật, do vậy, trước tiên cần thực hiện tổng hợp các chủ trương, pháp luật, chính sách để xác định có cơ sở, căn cứ đánh giá đối với chuyên đề giám sát này.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội nói đến cùng là trách nhiệm giải trình. Theo đó, qua các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải tỏa được trách nhiệm giải trình cho cơ quan hành pháp, cho Chính phủ. Qua giải trình sẽ làm rõ có thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay không, mặt nào là tốt, mặt nào được, mặt nào còn tồn tại, yếu kém, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị…

Với chuyên đề giám sát này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, giám sát của Quốc hội không đi làm thay cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mà là giám sát tổng hợp, đi nghiên cứu, khảo sát. Đoàn giám sát của Quốc hội không thể đi tính từng con số, vì không có chức năng này, cũng không đủ khả năng thực hiện mà cần sử dụng triệt để kết quả của cơ quan thanh tra, kiểm toán để làm rõ thêm, sâu hơn một số vấn đề phát hiện được qua nghiên cứu các báo cáo, số liệu.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cần tập trung phân tích đánh giá rủi ro trong từng lĩnh vực để hoàn thiện thêm về mục tiêu, xác định cho rõ phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát, những vấn đề cần giải trình…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu. Trong đó, phải làm rõ mục tiêu, yêu cầu của việc giám sát, bảo đảm sát thực và phù hợp với yêu cầu cụ thể của tình hình.

Về phạm vi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung giám sát phải gọn, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực và qua giám sát phải làm rõ trách nhiệm giải trình và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới.

Đồng thời, làm rõ tính kịp thời của việc thể chế hóa các văn bản của Đảng từ phía Nhà nước; tính kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, tính khả thi; trách nhiệm tổ chức thực hiện.../.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, rõ trách nhiệm giải trình