Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Belarus

(BKTO) - Ngày 13/12, tại trụ sở Chính phủ Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Belarus Sergey Nikolayevich Rumas.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Belarus, Ngài Sergey Nikolayevich Rumas.

Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas bày tỏ vui mừng trước những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; cho rằng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoàn toàn phù hợp và tương đồng với chiến lược phát triển của Belarus như cải tiến công nghệ, phát triển công nghệ cao…

Thủ tướng Belarus cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ các ý tưởng của Belarus trên trường quốc tế và tại Liên Hợp Quốc, đồng thời nêu rõ hai nước có cùng quan điểm về các vấn đề trên trường quốc tế, .

Về việc kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas cho rằng hai bên cần tìm ra những phương hướng hợp tác mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại. Belarus nhận thấy cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa chiến lược của Việt Nam như thời gian qua, cụ thể là tiếp tục nhập khẩu cao su, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Thủ tướng Belarus bày tỏ hy vọng phía Việt Nam sớm giải quyết các vấn đề và cấp phép để Belarus có thể xuất khẩu các sản phẩm từ thịt, sữa và nông sản của mình vào Việt Nam. Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác sản xuất ô tô đã có. Phía Belarus có kinh nghiệm và kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất ô tô. Belarus sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam xe tải, máy kéo, xe tải lớn, xe buýt; sẵn sàng tài trợ tài chính cho các liên doanh giữa hai nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Thủ tướng Belarus nhấn mạnh tháng 10/2016, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Hiệp định này tạo ra những cơ hội mới cho quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Belarus. Việt Nam là cầu nối để Belarus mở rộng hợp tác ra các thị trường khu vực Đông Nam Á. Quan hệ song phương Belarus-Việt Nam đang chuyển từ hợp tác kinh tế thương mại đơn thuần sang các liên doanh hợp tác sản xuất tại Việt Nam. Tháng 9/2019, Belarus đã khánh thành Nhà máy Liên doanh sản xuất xe ô tô tải tại Việt Nam.

Cho biết Chính phủ Belarus hiện nay tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Liên doanh này, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas mong muốn Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này.

Ông Nikolayevich Rumas nhấn mạnh Belarus một hướng hợp tác khác cũng rất có tiềm năng là hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Belarus có khả năng và có thể xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, máy móc, thiết bị, dược phẩm; đồng thời sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo các nhà khoa học chuyên sâu về các ngành máy móc, kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ nano.

Về phía mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước việc Liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên Maz Asia được khánh thành tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 26/9/2019, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của liên doanh Maz Asia và mong muốn hai bên tiếp tục có thêm những dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau.

Chủ tịch Quốc hội mong sản phẩm lắp ráp ô tô Maz sẽ ngày càng đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân và tiến tới chiếm lĩnh thị trường gần 600 triệu dân của ASEAN.

Cho biết tại Việt Nam hàng hóa nông sản dồi dào, phong phú tại nhiều vùng miền và trong suốt 12 tháng trong năm, theo Chủ tịch Quốc hội hai bên có thể thiết lập hợp tác liên doanh sản xuất trong các lĩnh vực có tiềm năng và nhu cầu hợp tác như: chế biến nông sản, chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất lắp ráp ô tô… Từ đó sẽ rất tốt cho thúc đẩy kinh tế thương mại đầu tư hai nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên thúc đẩy triển khai dự án Nhà máy sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm tại tỉnh Hưng Yên với số vốn 15 triệu USD tập trung sản xuất các sản phẩm sữa cho thị trường Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp của Belarus đầu tư vào Việt Nam và sẵn sàng tại điều kiện cho các doanh nghiệp Belarus hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài. Đối với đề nghị gần đây của Belarus về việc thay đổi thời gian đạt tỷ lệ nội địa hóa và chuyển hạn ngạch của bộ linh kiện của năm 2019 sang năm 2020, phía Việt Nam đang trong quá trình tham vấn nội bộ và sẽ sớm thông báo cho phía Belarus.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất một số định hướng lớn. Cụ thể, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ cở pháp lý để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư song phương; triển khai đồng bộ và hiệu quả các hiệp định đã ký kết và tìm ra các lĩnh vực hợp tác triển vọng mới. Hai bên đẩy mạnh việc triển khai kết quả các khóa họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus và chương trình hợp tác về lĩnh vực kinh tế giữa hai nước. Cùng với đó là tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong Belarus tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh truyền thống như: các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản… sang thị trường Belarus; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các liên doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông tại Belarus, chế biến nông sản tại Belarus...

Cảm ơn Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh hiện nay có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus; đề nghị hai Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Belarus nghiên cứu ký hiệp định hợp tác mới thay cho hiệp định đã ký cách đây 8 năm (năm 2011) cho phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, giao lưu văn hóa thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ, triển khai hiệu quả lộ trình hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus, đồng thời hoan nghênh các địa phương hai nước tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ và tìm kiếm hình thức hợp tác hiệu quả, phù hợp với thế mạnh của mình, đóng góp tích cực vào phát triển hợp tác chung giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện nay, lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam đang tăng nhanh từ sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus. Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân Belarus bằng việc đưa Belarus vào danh sách 40 nước được Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử từ ngày 1/2/2017. Về phần mình, Việt Nam cũng mong muốn phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có việc xem xét điều chỉnh phù hợp các điều kiện đối với công dân Việt Nam để được hưởng chế độ miễn thị thực mới được Belarus áp dụng.

Chia sẻ sự xúc động khi thăm Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại thủ đô Minsk vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nhân dân Belarus rất anh hùng, vĩ đại trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân Belarus rất tương đồng với Việt Nam. Nhân dân Việt Nam và Belarus đều đã trải qua chiến tranh tàn khốc nên rất yêu chuộng hòa bình và mong muốn đóng góp để duy trì hòa bình, ổn định của đất nước, cũng như của khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas và Chính phủ Belarus tiếp tục quan tâm, ủng hộ lập trường quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Thủ tướng Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Belarus ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội sở tại.

Theobaochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Belarus