Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát triển bền vững cần đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội

(BKTO) - Sáng 06/4 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 (IPU-150).

ctqh-a4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng IPU-150. Ảnh: TTXVN

Là lãnh đạo Quốc hội đầu tiên phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao chủ đề của khóa họp là “Hành động nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội” mang ý nghĩa vô cùng thiết thực và cấp bách, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng và xung đột chính trị; nghị viện các nước có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển bền vững nhằm giải quyết các thách thức chung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đại hội đồng IPU-150 là cơ hội quý báu để các nghị viện thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng xã hội trên toàn cầu.

Khẳng định phát triển bền vững cần đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, không thể coi phát triển là thành công nếu như một bộ phận đáng kể người dân vẫn còn bị bỏ lại phía sau. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội các nghị viện phải bảo đảm mọi chính sách đều hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo rằng mọi người dân, không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay thành phần xã hội, đều được hưởng lợi từ các thành quả phát triển.

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam nhằm hướng theo mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng một hệ thống pháp luật và chính sách công bằng, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Nhấn mạnh Việt Nam đang hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời tháo gỡ những bất cập về thể chế để khơi thông các nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững đảm bảo công bằng xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nghị viện trên thế giới, quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu cao cả vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững, công bằng và tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại.

Chia sẻ nhận định về thế giới đang thay đổi với tốc độ rất nhanh chóng, những thách thức ngày hôm nay sẽ là những bài toán phức tạp hơn nhiều trong tương lai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất một số định hướng để các nghị viện tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng các chính sách phát triển, ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức hiện nay.

060420250241-chu-tich-tran-thanh-man-ipu150-1.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nghị viện trước hết cần lấy tinh thần kiến tạo phát triển làm nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh, vai trò của Quốc hội và Nghị viện, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đi đôi với việc giám sát thực thi và tạo điều kiện triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển mang tính bao trùm, toàn diện và đột phá.

Đồng thời, cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, thực sự khẳng định bản chất của cơ quan dân cử, lấy công bằng và tiến bộ xã hội làm thước đo cao nhất của sự phát triển; cần tăng cường phối hợp hành động và hợp tác quốc tế giữa các nghị viện thành viên, nhất là trong bảo vệ hòa bình, giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế; diễn đàn IPU có thể tạo ra một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các nghị viện thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định không có một quốc gia hay một xã hội nào có thể phát triển bền vững nếu không đặt người dân làm trung tâm trong mọi chính sách và kêu gọi tất cả nghị sĩ, tất cả quốc gia hành động mạnh mẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng, thịnh vượng và bền vững cho tất cả.

dai-bieu-a3.jpg
Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trước đó, vào tối ngày 05/4 (theo giờ địa phương) phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-150, Chủ tịch IPU Tulia Ackson khẳng định ý nghĩa lịch sử của Đại hội đồng IPU-150, vai trò quan trọng của IPU và các nghị viện thành viên trong thúc đẩy những nỗ lực bền bỉ, liên tục qua nhiều khoá họp nhằm thúc đẩy dân chủ, hợp tác quốc tế, xây dựng một thế giới hòa bình hơn, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Ackson đề nghị Đại hội đồng IPU tập trung thảo luận tình hình thế giới, khu vực, chia sẻ kinh nghiệm, cùng trao đổi và tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức hiện nay như về xoá đói, giảm nghèo, xóa bỏ bất công, bất bình đẳng xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước phát triển và đang phát triển, tạo việc làm bền vững, xử lý hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh cho kinh tế xanh.

Chủ tịch IPU cho rằng IPU và các nghị viện thành viên cần đi đầu tạo khuôn khổ pháp lý, làm cầu nối giải quyết các bất đồng, đồng thời có các hành động thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển xã hội trên ba trụ cột là hoà bình, công lý và một tương lai công bằng, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển xã hội tổ chức vào tháng 11/2025 tại Doha, Qatar.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đề cao vai trò của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển ở các khu vực và trên thế giới, cũng như bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của người dân, thông qua đối thoại vào hợp tác, xây dựng lòng tin, chia sẻ kinh nghiệm.

Chia sẻ về những nỗ lực của IPU, ông Chungong cho biết năm 2024, IPU đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác liên nghị viện ở cấp độ toàn cầu và khu vực, kể cả các khu vực xung đột, và thông báo các sự kiện lớn, quan trọng của năm 2025 như Hội nghị Nghị viện lần thứ hai về Đối thoại liên tín ngưỡng vào tháng 6/2025, Hội nghị Các Chủ tịch Quốc hội thế giới và Hội nghị Các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới vào tháng 7/2025.

Tổng Thư ký IPU khẳng định quyết tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong năm kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh 1995, đặc biệt là với việc phát động Cuộc vận động Bình đẳng giới bằng hành động trong các nghị viện, tăng cường sự tham chính của phụ nữ, nâng cao nhận thức, chống phân biệt đối xử và bạo lực giới. Về kết quả của IPU-150, ông Chungong kêu gọi Khóa họp thảo luận và thông qua 2 nghị quyết quan trọng về Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy giải pháp hai Nhà nước ở Palestine và về Giảm thiểu tác động của xung đột đối với phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát triển bền vững cần đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội