Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26Alok Kumar Sharma. Ảnh: quochoi.vn |
Trưa 29/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp ông Alok Kumar Sharma - Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma trở lại thăm Việt Nam để trao đổi về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và một số đối tác phát triển. Đồng thời đánh giá cao vai trò của Vương quốc Anh cùng các nỗ lực của cá nhân Chủ tịch COP26 trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm thực thi mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Tại Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội do Việt Nam đăng cai tổ chức, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đề xuất và đưa khung khổ phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến 2030 vào khung khổ phát triển quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam luôn tự nhận thức và ý thức được những việc cần phải làm trong lĩnh vực này. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại COP26, trong đó, có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đây cũng là chủ trương, mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong các nỗ lực chung toàn cầu.
Để triển khai các cam kết này, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt văn bản quan trọng như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030…
Cảm ơn Chủ tịch COP26 đã thúc đẩy để Chính phủ Anh, Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác phát triển khác hỗ trợ tiến trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam thông qua đàm phán Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, trong Tuyên bố chính trị này, Chính phủ Anh, EU và một số đối tác phát triển sẽ có những cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam một cách lâu dài, bền vững để Việt Nam có thể vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan.
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: quochoi.vn |
Khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành với Chính phủ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phát thải, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh từ các đối tác quốc tế vào Việt Nam; đồng thời, cũng cần quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng, Chủ tịch COP26 bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ phối hợp tổ chức hội thảo liên quan đến các vấn đề về kỹ thuật, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Chủ tịch COP26 cũng mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi, cập nhật những quy định pháp lý mới để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, sửa đổi lại văn bản cần thiết như hợp đồng mua bán điện…
Bày tỏ hy vọng vào Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng - một tuyên bố chính trị rất quan trọng để các nước cùng hiện thực hóa những cam kết, Chủ tịch COP26 mong muốn Việt Nam sẽ tích cực tham gia và cùng chung tay trong quá trình thực hiện./.