Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV; tình hình kinh tế - xã hội cả nước; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố từ sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đến nay.
Cử tri huyện Thuỷ Nguyên đánh giá cao những thành tựu của đất nước và những đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng thời gian qua.
Đồng thời, cử tri cũng đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến: quy hoạch chung của TP.Hải Phòng; hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc; tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên và công tác biên soạn sách giáo khoa; vấn đề bảo vệ môi trường; phòng, chống bạo lực gia đình; cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức; hỗ trợ doanh nghiệp…
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm nay rất khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý 3 năm nay đạt mức 13,67%; tổng tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng khoảng 8,83%. Nếu quý 4, chúng ta tập trung nỗ lực thì hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích các yếu tố bất lợi có khả năng tác động tiêu cực tới nền kinh tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tiếp tục chủ động, linh hoạt thích ứng với các tình huống phát sinh.
Trao đổi cụ thể về các vấn đề cử tri đặt ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có cả vấn đề thiếu nguồn cung nên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Vì thế, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, cùng các cấp, các ngành để xử lý vấn đề này. Báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, chúng ta đang từng bước tháo gỡ được khó khăn này. Tình trạng thiếu thuốc đã giảm và đã triển khai cơ chế đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế"- Chủ tịch Quốc hội cho biết”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN |
Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế rà soát lại các quy định của ngành y tế. "Chúng ta mong muốn có thuốc rẻ cho nhân dân, nhưng cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Đấu thầu thuốc chữa bệnh thì không thể “năm sau thấp hơn năm trước” mà phải bảo đảm chất lượng, giá cả, nguồn cung. Phải mạnh dạn sửa đổi, công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ở góc độ vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Giá (sửa đổi) và Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá) và đề xuất nhiều quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch, để cán bộ vận hành theo đúng quy định, không sợ sai.
Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 để đề xuất có tiếp tục gia hạn một số chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến thuốc hay không. Cùng với đó, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dược và nghiên cứu, xây dựng luật về trang thiết bị y tế.
Về tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sĩ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là câu chuyện bình thường của thị trường lao động. Nhưng hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên thì phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Quốc hội và Chính phủ đều đang đánh giá vấn đề này.
Riêng với y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40 - 70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện. Năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, “đây là vấn đề cấp thiết”, do đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này.
Cảm ơn sự ghi nhận của cử tri đối với những nỗ lực, đổi mới của Quốc hội trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy và kiến tạo sự phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6 tới sẽ bàn để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó có bàn về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam – lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
“Trong các quyết sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Trong xây dựng pháp luật, Quốc hội yêu cầu quyết liệt đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và cả các cơ quan của Quốc hội phải rà soát, bảo đảm tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp và người dân. Về hình thức, hệ thống pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi. Về nội dung, phải bảo đảm tính sát thực tiễn, kiến tạo phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.