Chú trọng hoàn thiện quy định về giám sát và đánh giá đầu tư

(BKTO) - Hoạt động giám sát và đánh giá đầu tư được kỳ vọng sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn khi Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 về giám sát và đánh giá đầu tư... - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.




Hoạt động giám sát và đánh giá đầu tư được kỳ vọng sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa

Cần thiết ban hànhquy định mới

Theo Bộ KH&ĐT, dù sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội ban hành năm 2019, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP cũng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 nhưng việc ban hành Nghị định mới là cần thiết để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội thông qua trong năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 có một số quy định mới đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư so với Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP. Chẳng hạn như về thuật ngữ được sử dụng là “phương thức đối tác công tư” thay vì “hình thức đối tác công tư” như trước đây; không có quy định về “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án” mà chỉ có quy định về “Cơ quan có thẩm quyền” và “Cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP”. Bên cạnh đó, quy định về cơ quan thực hiện và nội dung giám sát đầu tư trong Luật cũng khác so với quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP. Do đó, cũng cần sửa đổi các quy định liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho phù hợp.

Là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư, sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; các góp ý hoàn thiện cũng như ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đến thời điểm này, Bộ KH&ĐT đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo cho biết, do quy định về giám sát và đánh giá đầu tư quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 không thay đổi so với Luật Đầu tư năm 2014 nên về cơ bản, Dự thảo Nghị định vẫn giữ nguyên các quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 và thực tiễn triển khai.

Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư được đưa ra lấy ý kiến có kết cấu 10 chương, 69 điều, trong đó quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư; giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.

Yêu cầu phải cập nhậtthông tin, báo cáo định kỳ

Dự thảo Nghị định nêu rõ, nguyên tắc giám sát, đánh giá đầu tư là đúng đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định; không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát và đánh giá đầu tư; phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí và hồ sơ, tài liệu hợp lệ làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá. Các thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá đầu tư phải đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, trung thực và minh bạch. Đồng thời, công tác giám sát, đánh giá phải xem xét toàn diện, đồng bộ các vấn đề liên quan đến quá trình đầu tư. Việc xem xét, đánh giá phải có đủ căn cứ, tài liệu; phải có phương pháp khoa học phù hợp với đối tượng và nội dung đánh giá. Các giải pháp, đề xuất kiến nghị phải thiết thực, cụ thể và bảo đảm tính khả thi. Kết quả giám sát, đánh giá phải được xử lý, phản hồi tích cực và phải được lưu trữ một cách hệ thống.

Đối với chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư, Dự thảo quy định Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hằng năm, trong đó bao gồm nội dung báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong phạm vi toàn quốc. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan cần cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo về chương trình, dự án đầu tư công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của DNNN lên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời, cập nhật thông tin dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác và dự án đầu tư ra nước ngoài lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

Theo Dự thảo, Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng, vận hành và hướng dẫn việc quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư; đồng thời đánh giá việc vận hành Hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở T.Ư và địa phương.
         
Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư dành riêng Chương II để quy định về giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước: đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của DNNN.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Chú trọng hoàn thiện quy định về giám sát và đánh giá đầu tư