Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp

(BKTO) - Bằng nhiều giải pháp và hướng đi phù hợp, đến nay, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor) đã có bước phát triển tích cực. Trong đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong lâm nghiệp, đặc biệt là công tác trồng rừng đã góp phần nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân và người dân trồng rừng.

anh-1.jpg
Vinafor tập trung cải tạo rừng cũ hiệu quả thấp để trồng lại rừng mới có hiệu quả cao hơn. Ảnh: Vinafor

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả tài nguyên rừng

Hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc trồng rừng của Vinafor luôn gắn với đời sống người trồng rừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Đồng thời, tạo nền móng vững chắc, hiệu quả cho hoạt động này bằng cách nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN trong quản lý rừng, chọn và tạo giống mới phù hợp với từng vùng miền, nhân giống cây có năng suất, chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh để cùng người dân mang lại hiệu quả trồng rừng cao nhất. Từ đó, từng bước làm thay đổi đời sống người dân miền núi và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp vùng sâu, vùng xa; góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Những thành công điển hình của các đơn vị trực thuộc Vinafor đã chứng minh rõ nét điều này. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) được giao về Vinafor vào tháng 5/2015, đến nay đời sống người lao động của Công ty và người dân trên địa bàn đã từng bước được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, sau khi chuyển về Vinafor, Công ty đã tiến hành đổi mới hoạt động, đầu tư vào sản xuất, quy hoạch vùng trồng bạch đàn cao sản rộng hàng nghìn ha. Mặt khác, Công ty cũng tiến hành cải tạo lại đất trồng rừng, trồng những loại cây đạt năng suất và hiệu quả cao; đồng thời phối hợp với bà con tổ chức trồng rừng và quản lý tốt hoạt động lâm nghiệp tại địa phương.

Theo chỉ đạo của Vinafor trong công tác trồng rừng, Công ty tập trung ứng dụng KHCN trồng rừng thâm canh cao, đưa giống mới, áp dụng máy móc tiên tiến để hướng dẫn bà con sản xuất, thay thế cách làm thủ công trước đây. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công ty luôn quan tâm bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Hiện, 100% người lao động được ký hợp đồng, trang bị bảo hộ lao động và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về quyền và nghĩa vụ người sử dụng lao động. Hoạt động của Công ty đã đi vào nề nếp, ổn định, đời sống của cán bộ công nhân viên tăng cao nhiều lần so với trước đây, đời sống bà con khu vực Công ty quản lý cũng có nhiều đổi thay.

Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) cũng cho biết, để đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đưa các giống mới có năng suất chất lượng cao cùng với các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh để xây dựng các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung nhằm rút ngắn chu kỳ kinh doanh và mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Đây cũng chính là những mô hình cho bà con nông dân học hỏi để thay đổi phong tục tập quán canh tác. Những năm qua, Công ty tập trung cải tạo rừng cũ hiệu quả thấp để trồng lại rừng mới có hiệu quả cao hơn, phấn đấu mỗi năm trồng khoảng 300-400 ha. Ngoài trồng rừng lấy gỗ, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu đưa các cây đặc sản khác, như: Quế, hồi, sa nhân, thảo quả… vào trồng để đa dạng cây trồng nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững.

anh-3.jpg
Vườm ươm tại Công ty lâm nghiệp Hoà Bình. Ảnh: Vinafor

Đối với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (Hòa Bình), trung bình mỗi năm Công ty này sản xuất khoảng 8 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó cây mầm mô 5 triệu cây, cây con trồng rừng 3 triệu cây (2 triệu cây mô và 1 triệu cây hạt). Ngoài việc sử dụng để trồng rừng sản xuất của công ty, các cây giống này còn được xuất bán ra các tỉnh khác, như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Với chất lượng cây giống ổn định, tỷ lệ sống cao (trên 90%), các khách hàng đều có nhu cầu tiếp tục sử dụng cây giống của Công ty.

Tiếp tục nghiên cứu nhiều dự án phục vụ cho việc quản lý, điều hành

Lãnh đạo Vinafor cho biết, trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, Tổng công ty luôn ưu tiên công tác lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đầu tư sản xuất giống cây mô công nghệ cao để tạo giống cây tốt, có khả năng chống chịu thời tiết và sâu bệnh, cung cấp cho thị trường trên cả nước.

Thời điểm hiện tại, Vinafor đang đầu tư trồng rừng bằng những giống năng suất, chất lượng cao, đã được cải thiện di truyền như: Bạch đàn Cự vĩ DH 32-29, keo lai AH 7, Keo lá tràm AA9, Clt (98;57;26;18;7)… đồng thời liên tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để khảo nghiệm giống mới; áp dụng biện pháp cơ giới vào trồng rừng thâm canh để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, trồng rừng gỗ lớn gắn với Chứng chỉ FSC® phục vụ chế biến sâu… theo hướng “Từ trồng rừng đến sản phẩm”.

Ngay từ khi thành lập năm 1995, Tổng công ty đã chú trọng vào công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng cây giống từ công nghệ nhân hom đến nuôi cấy mô. Với 11 đơn vị thành viên tham gia sản xuất, cung ứng cây giống chất lượng cao, mỗi năm Vinafor cung cấp trên 20 triệu cây mầm mô và 20 triệu cây con trồng rừng. Vinafor liên tục đưa các giống bạch đàn lai, keo lai, keo lá tràm mới được công nhận, giống đã được phục tráng vào sản xuất. Trong thời gian tới, Vinafor sẽ tiếp tục khởi công xây dựng trung tâm nuôi cấy mô tại Hòa Bình với công suất dự kiến 20 triệu cây/năm; triển khai áp dụng thử nghiệm giải pháp IoT của Nhật Bản để quản lý sản xuất cây mầm mô.

anh-2.jpg
Vinafor chú trọng vào công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng cây giống từ công nghệ nhân hom đến nuôi cấy mô. Ảnh: Vinafor

Ngoài ứng dụng KHCN trong công tác trồng rừng, Vinafor cũng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và quản lý điều hành. Theo đó, Vinafor đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử E-office do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cung cấp; nghiên cứu triển khai xây dựng các chính sách quản lý, ứng dụng các giải pháp và dịch vụ an ninh mạng, phòng chống mã độc phù hợp với điều kiện tình hình thực tế). Ngoài ra, Vinafor tiếp tục triển khai giai đoạn 2 - Đề án phát triển công nghệ thông tin của Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, từng bước số hóa dữ liệu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý điều hành và sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của Tổng công ty trên cơ sở: nền tảng công nghệ hiện đại; đổi mới phương thức quản lý, quản trị theo chuẩn mực quốc tế tiệm cận OECD.

Đồng thời, Vinafor đang hoàn thiện Đề án công nghệ thông tin để triển khai thực hiện từng bước tiếp cận công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị công ty, sản xuất lâm nghiệp (số hóa việc quản lý rừng và đất rừng) để từng bước số hóa các số liệu về kế toán tài chính, quản lý rừng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin của Tổng công ty theo Bộ chỉ số của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…/.

Cùng chuyên mục
Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp