Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10/1947, Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện và hậu quả của bệnh hẹp hòi ở trong Đảng và ngoài Đảng. Người nêu rõ “Óc hẹp hòi” ở trong Đảng là không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Còn ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, cũng không khôn khéo bằng cá nhân mình. Hồ Chí Minh chỉ ra và phân tích rõ những hậu quả tiêu cực của “Óc hẹp hòi”. Theo Người, vì “Óc hẹp hòi” mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng và do đó khiến người ta uất ức và mình thì thành ra bị cô độc. Người nêu rõ: Cũng vì bệnh hẹp hòi nên sẽ không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết và khi ôm lấy hết mọi việc thì cố nhiên làm không nổi. Người còn chỉ ra cụ thể: Vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào như là tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ…
Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu trong Đảng và ngoài Đảng đều phải chú trọng phòng tránh và nếu mắc thì phải chữa cho được bệnh hẹp hòi với những biện pháp tích cực, khả thi và hiệu quả.
Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, đồng hành của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội là cơ sở vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vững vàng phòng tránh, khắc phục được bệnh hẹp hòi, củng cố tăng cường được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hùng cường.
Trong Đảng, để chữa bệnh hẹp hòi, Hồ Chí Minh đặc biệt yêu cầu phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người nhắc nhở phải xác định đúng mục đích trong sáng, giúp đỡ nhau: “Mục đích phê bình và tự phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau” hay cản trở, trù dập nhau. Người căn dặn cần tránh những hạn chế, khuyết điểm khi thực hiện tự phê bình và phê bình, như: “Chẳng những không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, giấu cả đoàn thể”. Sự hẹp hòi, hạn chế ấy sẽ gây ra hậu quả “càng ngày càng hủ hóa, càng hỏng việc”.
Hồ Chí Minh cũng thường xuyên lưu ý Đảng phải khắc phục căn bệnh hẹp hòi với người ngoài Đảng, vì như Người từng nói rõ: Đảng viên là thiểu số so với tổng số nhân dân, cho nên nếu không có người ngoài Đảng ủng hộ, giúp đỡ thì không làm gì được.
Với sự bao dung, độ lượng, nhân văn, Hồ Chí Minh căn dặn phải quan tâm đến những đối tượng cụ thể có hoàn cảnh khó khăn, phức tạp trong xã hội và có giải pháp phù hợp để giúp đỡ họ. Ví dụ, đối với “đồng bào lạc lối, lầm đường”, trong "Thư gửi đồng bào Nam Bộ" vào tháng 6/1946, Hồ Chí Minh đề nghị phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ vì “đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở đối với các nạn nhân của chế độ cũ, như: Trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Hồ Chí Minh khẳng định với những cách làm cụ thể như vậy thì chúng ta mới thành đại đoàn kết và khi đã có đại đoàn kết “tương lai chắc sẽ vẻ vang”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang làm tốt việc chữa căn bệnh hẹp hòi và nhờ vậy mà có được sức mạnh đại đoàn kết trong và ngoài Đảng, trở thành một trong những nhân tố quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được ban hành và thực hiện hiệu quả trên thực tế với sự đồng hành của cả cộng đồng, góp phần phòng tránh, khắc phục bệnh hẹp hòi, xây đắp đại đoàn kết trong và ngoài Đảng. Ví dụ: Đảng có những quy định, chính sách cụ thể phù hợp nhằm giúp đỡ, tạo thuận lợi cho những cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, khuyết điểm có cơ hội, điều kiện thuận lợi ăn năn, hối cải, sửa chữa tiến bộ. Chính phủ cũng thường xuyên có chính sách ưu đãi để thực sự thu hút được người tốt, người tài, những người trẻ tuổi hăng hái đóng góp hiệu quả cho dân, cho nước. Hay chúng ta chủ trương quan tâm hỗ trợ giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập với cộng đồng, trong đó có tạo việc làm, thu nhập cho họ. Chủ trương đúng đắn, nhân văn này được sự đồng tình ủng hộ của cả nước với nhiều biện pháp tích cực. Như tại TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm rất thiết thực trợ giúp người mãn hạn tù, trong đó năm 2023 vừa qua, Thành phố tiến hành kế hoạch hỗ trợ tiền dạy nghề, tạo việc làm cho người mãn hạn tù. Theo đó, tùy theo từng đối tượng, Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người chấp hành xong hình phạt tù với mức tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học.
Những chủ trương, chính sách, cách làm thiết thực trên của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã góp phần đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực xấu đã và đang cố tình bịa đặt vu cáo cho rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam, cán bộ, đảng viên luôn ích kỷ hẹp hòi, chỉ chăm lo lợi ích nhóm, vơ vét cá nhân bằng cách đấu đá nội bộ, bỏ rơi người tốt, người tài, hẹp hòi, coi thường quần chúng nhân dân, đàn áp những người góp ý với mình… Trên không gian mạng, một đối tượng vừa tung tin thất thiệt, bịa đặt nhằm lôi kéo, kích động giới trẻ: “Thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân, kinh doanh làm ăn cá nhân... thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình”…
Chắc chắn những thông tin xấu độc, chống phá trên của thế lực chống đối sẽ không ảnh hưởng đến niềm tin của chúng ta vào thực tế: Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, đồng hành của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội là cơ sở vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vững vàng phòng tránh, khắc phục được bệnh hẹp hòi, củng cố tăng cường được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hùng cường./.