Chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai dạy các môn Tin học, Công nghệ cấp tiểu học

(BKTO) - Ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp bàn về giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các môn Tin học, Công nghệ cấp tiểu học - những môn học chuyển từ tự chọn sang bắt buộc từ năm học 2022-2023.



                
   

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Moet.gov.vn

   

Theo Vụ Giáo dục tiểu học, trong quá trình triển khai dạy môn Tin học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp một số khó khăn như tỉ lệ học sinh lớp 3, 4, 5 được học môn Tin học tự chọn không đồng đều giữa các địa phương.

Những tỉnh chưa đạt tỉ lệ 50% trường, lớp, học sinh được tổ chức dạy môn Tin học tự chọn theo Chương trình 2006 khi chuyển sang dạy học bắt buộc từ năm học 2022-2023 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nếu không được đầu tư sẽ thiếu giáo viên.

Đối với môn Công nghệ, đây sẽ là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thuộc môn Tin học và Công nghệ, được dạy ở các lớp 3, 4, 5 với thời lượng 1 tiết/ tuần.

Giáo viên dạy công nghệ cần có đủ năng lực theo chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về năng lực sư phạm, năng lực chuyên môn công nghệ. Giáo viên công nghệ phải thực hiện được giáo dục STEM trong môn học cũng như tổ chức được các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường.

Trước thực trạng này, Vụ Giáo dục tiểu học đề xuất giải pháp:

Đối với môn Tin học, cần giữ vững hiệu quả giảng dạy từ số giáo viên hiện có, đảm bảo giáo viên hiện có dạy đủ định mức giờ dạy thông qua các biện pháp dạy liên trường. Đồng thời đề xuất tuyển dụng bổ sung giáo viên dạy Tin học, xây dựng tiêu chí tuyển dụng phù hợp với thực tế địa phương...

Đối với môn Công nghệ,trước mắt có thể lấy giáo viên Tin học bồi dưỡng thêm Công nghệ để dạy Tin học và Công nghệ ở những nơi có nhiều giáo viên Tin học, thiếu giáo viên cơ bản.

Ở những nơi thiếu giáo viên Tin học, Công nghệ, có thể lấy giáo viên cơ bản bồi dưỡng Công nghệ để dạy thêm môn Công nghệ.

Box: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bao gồm Chương trình tổng thể và 27 Chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018. Trong đó, giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2).

Về lâu dài, môn Công nghệ cùng với một số môn học khác nên được xem xét chuyển thành môn học đặc thù nhằm thực hiện tốt nhất định hướng đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương án tốt nhất là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đặc thù dạy môn Khoa học, môn Tin học và Công nghệ (môn học ghép) và tổ chức các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất những giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho môn Tin học, Công nghệ, sẵn sàng triển khai môn học này trong năm học 2022-2023.
NGUYỄN LỘC


Cùng chuyên mục
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai dạy các môn Tin học, Công nghệ cấp tiểu học