Tại Hội thảo “FDI toàn cầu và ứng biến của DN FDI tại Việt Nam, trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng ảnh hưởng của những biến động vừa qua đối với DN FDI, từ đó đưa ra dự báo về triển vọng và những hàm ý chính sách thu hút FDI cho Việt Nam trong thời gian tới.
Cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ bối cảnh chung toàn cầu. Dưới tác động của đại dịch, lượng vốn đăng ký FDI năm 2020 giảm 25% và giá trị FDI thực hiện giảm 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi so sánh trong tương quan với các nền kinh tế khác. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ. Bởi giá trị FDI thực hiện giảm 2%, là mức giảm thấp nhất trong khu vực ASEAN và Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thu hút nguồn sóng đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Có thể nói, bối cảnh mới tuy mang đến nhiều thách thức song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Các cơ hội đến từ tổng hòa rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - đã phát huy được hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, những điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng giúp dần cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI.
Theo PGS,TS. Trương Đình Chiến (Đại học Kinh tế Quốc dân), trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, DN quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam” - PGS,TS. Trương Đình Chiến đánh giá.
Cũng theo PGS,TS. Trương Đình Chiến, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn cách đi ngắn hơn để vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức sáp nhập và mua lại (M&A), mua lại những DN Việt vốn đã có thị phần lớn tại thị trường nội địa. Mới đây nhất, đại diện Tập đoàn Stark (Thái Lan) phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina). Thương vụ M&A này có tổng giá trị lên đến 240 triệu USD.
Nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn FDI và ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế cũng như tình hình xã hội trong nước, các đại biểu cũng cho rằng, việc thu hút các dự án FDI sau đại dịch cần phải được gắn với định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Theo đó, cần lựa chọn tập trung thu hút các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hiện đại, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường... tập trung vào 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển đầu tư là: công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ; trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
Một số giải pháp thu hút đầu tư vào Việt Nam
Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam sau đại dịch.
Trong đó, yếu tố quan trọng đầu tiên là đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thành tựu về công nghệ số, robot thông minh, in 3D, dữ liệu lớn và internet vạn vật đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở quy mô DN, công nghệ nền tảng 4.0 đang ảnh hưởng lớn đến phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của DN, chuyển đổi DN từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ các nhà đầu tư trong đó có điện, nước, giao thông vận tải; phát triển hệ thống đường xá, sân bay, bến cảng đảm bảo điều kiện thuận lợi phục vụ cho vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm cho các DN FDI; đồng thời cũng cần đầu tư cho hạ tầng xã hội phục vụ số lượng nhân công lớn của các DN FDI.
Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả hơn đểthu hút nguồn vốn FDI. Ảnh: Baochinhphu.vn |
Thứ ba, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giá thuê hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI. Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích thỏa đáng để kết nối, hỗ trợ DN FDI và các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị, đơn giản hóa trình tự, thủ tục gia nhập thị trường và thủ tục hải quan.
Các chuyên gia nhấn mạnh, ở quy mô toàn cầu, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hạ thấp tiêu chuẩn xã hội và môi trường không còn đem lại lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Thay vào đó, các quốc gia sẽ chuyển đổi và định hướng phát triển bền vững các khu công nghiệp thông qua mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên; kết hợp hài hòa, cân đối giữa khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Theo đó, cần nghiên cứu để có chính sách thúc đẩy các DN trong nước phát triển năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung cấp được một tỷ lệ nhất định linh kiện chi tiết cho các công ty FDI, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có những sự dịch chuyển lớn, mang lại cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc nỗ lực của Chính phủ, các chính quyền địa phương và cộng đồng DN cũng như người lao động – nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh.