Những yêu cầu từ thực tiễn chính là động lực thôi thúc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Lao động tay nghề thấp kéo lùi nỗ lực phát triển
Với khoảng 52 triệu lao động (từ 15 tuổi trở lên), thị trường lao động Việt Nam từng là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư, khi nguồn cung lao động giá rẻ giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, giúp giảm giá thành sản phẩm.
Song, theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - GDNN), đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, khi thị trường chưa có nhiều biến động lớn, khoa học công nghệ chưa có những bước tiến mạnh mẽ như hiện nay.
TS. Vũ Xuân Hùng cho biết: “Ngay từ lúc này, lao động giá rẻ đồng nghĩa với kỹ năng kém không còn giữ được chỗ đứng trên thị trường. Điều này thấy rõ qua đại dịch, với phần lớn lao động thất nghiệp, không có việc làm”.
Ông Hùng lưu ý, mỗi người lao động, nhất là lao động trẻ cần xác định phải đổi mới, tham gia đào tạo, trang bị kỹ năng nghề cho bản thân để có tương lai nghề nghiệp, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong vài năm gần đây, tuy năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng nhưng còn khá thấp, khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực vẫn còn xa.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân là người lao động Việt Nam còn thiếu trình độ, kỹ năng so với lao động trong khu vực và thế giới; mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành, nghề, giữa vùng, miền, nông thôn và thành thị… Khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn, khó khăn khi hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Đây cũng là vấn đề khiến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trăn trở, nhất là khi ILO dự báo, trong 5 năm tới, sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đào tạo nghề, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Trong đó, Chính phủ đã và đang chỉ đạo đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cho phép hình thành 80 trường chất lượng cao, thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.
“Ba trung tâm đào tạo vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó” - Bộ trưởng cho biết.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Mong đợi những chính sách đột phá
Cụ thể hóa chủ trương quan trọng của Đảng, Chính phủ về nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dã dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Dự thảo hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, Dự thảo Đề án đã xác định những mục tiêu rất quan trọng, căn cơ và có ảnh hưởng lâu dài đến công tác đào tạo, tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những nhiệm vụ được đặt ra là đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động.
Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế. Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản…
Đi kèm với mục tiêu cụ thể, Dự thảo Đề án cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Đáng chú ý là các nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về phát triển kỹ năng nghề trong thời kỳ mới. Trong đó, người lao động và doanh nghiệp sẽ được ưu tiên, hỗ trợ với nhiều chính sách thiết thực, cụ thể và hấp dẫn khi tham gia đào tạo, phối hợp trong đào tạo nghề.
Thực tế vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách trong đào tạo nghề dù đã được ban hành song chưa tạo được động lực đủ mạnh để thu hút các thành phần, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.
Lãnh đạo một trường nghề trên địa bàn Thủ đô từng cho biết, khi nhà trường kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các khâu trong hoạt động GDNN, doanh nghiệp đã từ chối mà chỉ nhận tham gia vào công tác tuyển dụng, với lí do không đủ nguồn lực.
Một thực tế nữa được lãnh đạo một trường nghề chỉ ra là dù chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề đã có nhưng một số quy định còn chưa rõ ràng, quá trình triển khai thực hiện tại mỗi địa phương một khác, thậm chí là chính sách không được thực hiện. Điều đó khiến các chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp.
Là người gắn với thực tiễn hoạt động GDNN từ nhiều năm nay, nhà giáo, TS. Phạm Xuân Khánh - Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - đánh giá rất cao Dự thảo Đề án và trông đợi những đột phá mới khi Đề án được ban hành và đi vào cuộc sống.
“Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt, vì vậy, ở mỗi cấp, mỗi bộ phận, cá nhân đều cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm đối với vấn đề nâng cao kỹ năng cho người lao động” - ông Khánh nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, tương lai hội nhập, phát triển của nền kinh tế phụ thuộc vào sức sống của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, và chất lượng nguồn lao động./.