Chuẩn mực kiểm toán nội bộ mới và những yêu cầu đối với kiểm toán viên

(BKTO) - Chuẩn mực kiểm toán nội bộ (KTNB) mới do Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) công bố báo hiệu sự thay đổi mang tính chiến lược đối với hoạt động kiểm toán, nhấn mạnh vào các phương pháp dựa trên rủi ro, sự liên kết doanh nghiệp và tích hợp công nghệ.

8.-anh-minh-hoa.-nguon-excon.jpg
Các KTV cần tiến hành theo từng bước để đánh giá, lập kế hoạch và triển khai các chuẩn mực mới. Ảnh minh họa

Những thay đổi của chuẩn mực mới

Bộ chuẩn mực KTNB mới có hiệu lực từ năm 2025 đã được tái cấu trúc theo một khuôn khổ hiện đại, bao gồm 5 lĩnh vực, 15 nguyên tắc và 52 chuẩn mực. Các chuẩn mực mới đảm bảo sự linh hoạt, tập trung vào rủi ro và tăng cường sự liên kết chiến lược của KTNB với tổ chức. Mỗi chuẩn mực bao gồm các yêu cầu, lưu ý khi thực hiện và cân nhắc về tính tuân thủ. Các chuẩn mực mới cũng cung cấp cho các kiểm toán viên (KTV) hướng dẫn rõ ràng và mức độ linh hoạt cao hơn liên quan đến việc thực hiện vai trò của họ trong một tổ chức.

Theo đó, mục đích của KTNB đã được sửa đổi trong bộ chuẩn mực mới là: KTNB tăng cường khả năng tạo ra, bảo vệ và duy trì giá trị của tổ chức bằng cách cung cấp cho hội đồng quản trị và ban quản lý sự đảm bảo, lời khuyên, hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn xa, dựa trên rủi ro và khách quan. Các chuẩn mực mới giúp các bên liên quan hiểu và xác định rõ tầm quan trọng của KTNB trong tổ chức thông qua quy định về vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của KTNB; kỳ vọng của các bên liên quan đối với chức năng KTNB; xây dựng mối quan hệ với tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai, các KTV bên ngoài, nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo khác; đạo đức nghề nghiệp...

Chuẩn mực KTNB mới cũng quy định KTNB phải xây dựng chiến lược và phương pháp đo lường hiệu suất, đồng thời báo cáo định kỳ cho hội đồng quản trị về hiệu suất công việc. Các KTV phải điều chỉnh chiến lược kiểm toán phù hợp với khuôn khổ quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro (Chuẩn mực 9.2). Điều này đảm bảo các nỗ lực kiểm toán vẫn tập trung vào các lĩnh vực có tác động lớn nhất đến tổ chức, thay vì tuân thủ một phương pháp chung cho tất cả. Mặc dù việc xây dựng chiến lược KTNB không phải là một hoạt động mới, nhưng đây là một yêu cầu mới giúp KTNB và hội đồng quản trị tập trung vào việc điều chỉnh hiệu suất, theo dõi tiến độ so với chiến lược, đồng thời thúc đẩy cải tiến liên tục chức năng KTNB.

Một điểm nổi bật của chuẩn mực KTNB mới là tối đa hóa việc sử dụng công nghệ. Các chuẩn mực tạo điều kiện cho KTNB có một chiến lược số hóa, sử dụng phân tích dữ liệu để hỗ trợ các cuộc kiểm toán và đánh giá (Chuẩn mực 12.1). Các công nghệ được khuyến khích sử dụng toàn diện thông qua nhiều công cụ, kỹ thuật và nền tảng khác nhau để nâng cao hiệu quả, hiệu suất và giá trị của hoạt động kiểm toán, bao gồm: Tự động hóa công nghệ quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC); tự động hóa quy trình làm việc; phân tích dữ liệu và phát hiện gian lận; giám sát liên tục và cảnh báo ngoại lệ; AI và máy học; an ninh mạng; quản lý dự án; kiểm toán từ xa; quản lý tài liệu.

Khi các rủi ro tiếp tục gia tăng, KTNB phải luôn thích ứng, thu thập thông tin và cải tiến để phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Bằng cách áp dụng các chuẩn mực mới, KTV có thể củng cố vai trò của mình như những cố vấn đáng tin cậy và là người hỗ trợ chính, tăng khả năng phục hồi cho tổ chức.

Bộ chuẩn mực KTNB mới cũng nhấn mạnh vào việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với hội đồng quản trị nhằm giúp KTNB thành công hơn. Việc củng cố mối quan hệ giữa KTV với hội đồng quản trị được thực hiện bằng cách nhấn mạnh vào giao tiếp cởi mở và sự thống nhất về các ưu tiên và nguồn lực kiểm toán (Chuẩn mực 8.1). Những tương tác này đảm bảo các rủi ro quan trọng, chẳng hạn như các mối đe dọa an ninh mạng được giải quyết một cách hiệu quả và minh bạch.

Tuân thủ các chuẩn mực mới một cách hiệu quả

Để tuân thủ các chuẩn mực mới, chức năng KTNB phải cân nhắc kỹ lưỡng và hợp tác chặt chẽ với hội đồng quản trị, ban quản lý cấp cao, tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai, các bên liên quan quan trọng khác. Các chuyên gia của IIA khuyến nghị, các KTV cần tiến hành theo từng bước để đánh giá, lập kế hoạch và triển khai các chuẩn mực mới, bao gồm: Thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng của KTNB, xem xét các chuẩn mực mới và xác định mức độ thay đổi cần thiết; truyền đạt tác động của những thay đổi với hội đồng quản trị và các bên liên quan chính, từ đó đề xuất việc đào tạo để có sự hỗ trợ; đo lường mức độ tuân thủ chuẩn mực, xác định khoảng cách và đề xuất các hành động cần thiết để triển khai.

Các KTV cũng cần xem xét năng lực hiện tại về công nghệ, phương pháp kiểm toán, nguồn lực để xác định mức độ và những cải tiến cần thiết nhằm triển khai hiệu quả các chuẩn mực mới. Kế hoạch KTNB cần được xây dựng dựa trên các thay đổi của chuẩn mực, yếu tố công nghệ và sự đầu tư nguồn lực tương ứng. Các chức năng KTNB có thể yêu cầu thêm nguồn lực và chuyên môn để thu hẹp khoảng cách giữa việc thực hiện theo chuẩn mực cũ và chuẩn mực mới.

Các lãnh đạo KTNB và hội đồng quản trị có thể cân nhắc tận dụng các nguồn lực bên ngoài để thu hẹp khoảng cách và giúp KTNB sáng tạo hơn, nâng cao giá trị của chức năng KTNB, đặc biệt là trong các hoạt động quản lý rủi ro, tạo ra sự tin tưởng lớn hơn của hội đồng quản trị và các bên liên quan trong việc ra quyết định chiến lược./.

Cùng chuyên mục
  • Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương:
Bài 2: Những vướng mắc khi triển khai kiểm toán
    4 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, việc thu thập bằng chứng kiểm toán thông qua các phần mềm quản lý ngân sách như TABMIS, phần mềm quản lý thuế, kê khai thuế chưa được nhiều. Vì vậy, khi đối chiếu số liệu giữa cấp có thẩm quyền với số liệu báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP) vẫn tiềm ẩn sai sót.
  • Scotland: Kiểm toán biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu
    4 ngày trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) Scotland xác định, kiểm toán biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu nhờ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khu vực công tích cực ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu; về cách thức công quỹ được sử dụng để hỗ trợ các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
  • Kiểm toán hậu sắp xếp tổ chức bộ máy
    4 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc quyết toán ngân sách các Bộ, ngành, địa phương sẽ ra sao sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước? Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần làm gì để không bị ngưng trệ và hoàn thành hiệu quả sứ mệnh của mình trong bối cảnh này?
  • Kiểm toán những lĩnh vực nóng, dễ phát sinh lãng phí
    4 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ký ban hành Hướng dẫn một số nội dung về kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Báo Kiểm toán đã phỏng vấn ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, đơn vị chủ trì soạn thảo Hướng dẫn - về nội dung này.
  • Đưa công nghệ số vào hoạt động kiểm toán
    4 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong bối cảnh các cơ quan, đơn vị được kiểm toán chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng đối với hoạt động quản lý, điều hành cũng như triển khai các dịch vụ công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đang “chuyển mình”, nỗ lực số hóa, ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán nội bộ mới và những yêu cầu đối với kiểm toán viên