.jpg)
Đối mặt với thực tiễn
Hiện nay, Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện sắp xếp, hợp nhất, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tuy nhiên, hậu sắp xếp, một trong những nội dung trong kế hoạch kiểm toán hằng năm mà KTNN và các cơ quan liên quan đặc biệt quan tâm là việc xác định trách nhiệm quyết toán ngân sách của các Bộ, ngành.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Ví dụ khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vậy thì Bộ nào chịu trách nhiệm quyết toán ngân sách? Đặc biệt và phức tạp hơn là trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được chia tách và sắp xếp vào nhiều Bộ khác nhau, việc xác định trách nhiệm quyết toán của 2 Bộ cũ này sẽ như thế nào?
Ngoài ra, theo dự kiến, từ ngày 01/7/2025, nhiều tỉnh, thành sẽ sắp xếp và kết thúc hoạt động của cấp huyện, thành lập chính quyền địa phương 2 cấp. Vậy nếu 2-3 tỉnh hợp nhất thì tỉnh nào sẽ chịu trách nhiệm quyết toán ngân sách của năm trước? Ngược lại, khi một tỉnh chia tách thành hai đơn vị hành chính mới thì trách nhiệm quyết toán sẽ thuộc về ai? Đây là những vấn đề chưa có tiền lệ và cần được “gỡ” nhanh chóng.
Các Bộ, ngành dù có sắp xếp theo hình thức nào thì các hoạt động quản lý tài chính vẫn có đầy đủ hồ sơ, chứng từ về ngân sách và cá nhân chịu trách nhiệm. Vì vậy, các cơ quan kiểm tra, giám sát, trong đó có KTNN vẫn phải “bám” theo Bộ mới để đảm bảo kiểm soát hiệu quả việc sử dụng ngân sách.
Ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Việc xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện cũng sẽ đặt ra những thách thức đối với KTNN trong quá trình tổ chức kiểm toán. Bởi, hiện nay, các hướng dẫn kiểm toán theo mô hình tỉnh - huyện - xã, trong khi hệ thống chính quyền sẽ điều chỉnh chỉ còn 2 cấp. Kiểm toán viên nhà nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thu thập tài liệu, xác minh thông tin phục vụ công tác kiểm toán khi bộ máy hành chính của các đơn vị được kiểm toán còn chưa ổn định, công chức thuộc các đơn vị này đang ưu tiên thời gian cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán từ các năm trước cũng gặp trở ngại do bộ máy cũ không còn, trong khi bộ máy mới chưa có cơ chế cụ thể để tiếp nhận và thực hiện các kiến nghị này...
Ráo riết để có những phương án kiểm toán phù hợp
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở cũng đang đặt ra cho cơ quan kiểm toán: Làm gì để hoạt động kiểm toán vừa mang lại hiệu quả, vừa phù hợp với tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý ngân sách mới?

Để phù hợp với bối cảnh mới, hạn chế những khó khăn phát sinh trong quá trình kiểm toán và để trả lời cho nhiều câu hỏi mà dư luận xã hội quan tâm đã nêu trên, KTNN sẽ không kiểm toán đối với nhóm Bộ, ngành thuộc diện sắp xếp như Bộ Thông tin và Truyền thông. KTNN cũng đã ban hành Thông báo số 60/TB-KTNN ngày 16/01/2025. Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước giao các kiểm toán trưởng rà soát, thu thập, nắm bắt tình hình các đơn vị trong phạm vi kiểm toán để đề xuất điều chỉnh danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán cho phù hợp với tình hình thực tế sau khi sắp xếp bộ máy. Đồng thời, “Lãnh đạo KTNN cũng giao kiểm toán trưởng khảo sát, thu thập thông tin, nắm bắt các Bộ sau hợp nhất thực hiện cơ chế quyết toán ngân sách như thế nào để báo cáo lãnh đạo KTNN xem xét, điều chỉnh kế hoạch kiểm toán” - ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết.
Có thể thấy, việc tạm hoãn kiểm toán các đơn vị chưa ổn định bộ máy và sẵn sàng tiếp tục điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm 2025 cho thấy, KTNN đã chủ động, linh hoạt thích ứng với điều kiện, bối cảnh mới của đất nước.
Theo ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), trước mắt, KTNN vẫn kiểm toán với nhóm các Bộ, ngành không sắp xếp. Nếu các huyện đề nghị kiểm toán để có báo cáo quyết toán trước khi sắp xếp thì KTNN vẫn thực hiện kiểm toán. Đối với các kiến nghị kiểm toán năm trước, KTNN sẽ xây dựng phương án đảm bảo theo dõi thường xuyên, liên tục.
Đồng quan điểm này, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cũng cho rằng, việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị kiểm toán từ những năm trước cũng cần được quan tâm, đồng thời ông cũng đề xuất: Với những đơn vị hành chính không còn tồn tại sau khi sáp nhập, KTNN cần có cơ chế xác định đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ngoài ra, cần có phương án theo dõi liên tục để đảm bảo rằng các vấn đề tồn đọng không bị “bỏ qua” khi bộ máy mới đi vào hoạt động.
Gợi mở lời giải cho bài toán đổi mới phương thức kiểm toán trong bối cảnh mới, các chuyên gia về tài chính, ngân sách cho rằng, khi không còn chính quyền cấp huyện, KTNN phải thay đổi quy trình kiểm toán cho phù hợp. Một trong những giải pháp quan trọng trước mắt là KTNN cần phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan để chủ động tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế tài chính mới. Điều này không chỉ giúp KTNN có thể kiểm toán hiệu quả hơn mà còn giúp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quản lý tài chính công một cách minh bạch, khoa học.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong bối cảnh sắp xếp bộ máy và cả nước phải thực hiện một số yêu cầu mới, KTNN cần bổ sung một số nội dung kiểm toán quan trọng, đó là việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sắp xếp; dự toán và việc điều chỉnh dự toán (đối với năm đầu tiên sắp xếp).
Bài học thực tiễn cùng các vấn đề đang phải đối mặt đòi hỏi những người làm công tác kiểm toán phải ráo riết nghiên cứu, tham mưu, đưa ra các phương án kiểm toán phù hợp, hiệu quả để thích ứng với bối cảnh mới!./.