Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm

(BKTO) - Bước vào phiên giao dịch đầu tuần 27/4, thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng điểm và dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều biến động trong tuần này. Trong khi đó, áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư đã khiến VN-Index quay đầu giảm điểm sau 3 tuần hồi phục liên tiếp.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm

Các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên sáng 27/4 khi bước vào một tuần dự kiến khá "bận rộn" với những báo cáo kết quả kinh doanh của giới doanh nghiệp cùng với các cuộc họp của các ngân hàng trung ương; trong đó có cuộc họp ngày 27/4 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bàn về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,89% (tương đương 171,27 điểm) lên 19.433,27 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,84% (199,33 điểm) lên 24.030,66 điểm còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,13% (3,71 điểm) lên 2.812,24 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,44% (27,19 điểm) lên 1.916,2 điểm.

Theo Okasan Online Securities, thị trường chứng khoán Nhật Bản trong tuần này dự kiến sẽ biến động theo hình “răng cưa” trước thềm kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Các nhà đầu tư đang dõi theo sát sao cuộc họp của BoJ, mà theo dự đoán sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Giới đầu tư cũng đang chờ đợi việc Chính phủ Nhật Bản liệu có quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp sau ngày 6/5 hay không.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiến hành các cuộc họp vào cuối tuần này.

Theo dự đoán của các nhà phân tích thuộc ngân hàng ANZ, Fed có thể sẽ không thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) hay điều chỉnh lãi suất, song sẽ nhấn mạnh về việc cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hiện tại trong một thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, đối với ECB, các nhà phân tích trên cho rằng cơ quan này sẽ tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) thêm khoảng 500 tỷ euro lên 1.250 tỷ euro và tiếp tục hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện một kế hoạch kích thích tài khóa quy mô lớn.

Trong tuần này, khoảng 173 doanh nghiệp có cổ phiếu hợp thành chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, trong đó có các "đại gia" như Apple, Amazon, Facebook, Microsoft, Caterpillar, Ford, GE và Chevron.

Giới phân tích dự đoán tổng lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp có cổ phiếu cấu thành chỉ số S&P 500 ước giảm 15% trong quý I/2020, trong đó lợi nhuận của các doanh nghiệp năng lượng giảm hơn 60% làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ vỡ nợ, sa thải lao động và thậm chí là phá sản.

Nhà đầu tư chốt lời khiến VN-Index quay đầu giảm điểm

Trái ngược với thị trường châu Á, VN-Index mở cửa phiên sáng 27/4 dù tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ và thử sức chinh phục lại mốc 785 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh tại ngưỡng này đã đẩy VN-Index thoái lui trở lại xuống dưới tham chiếu.

Dòng tiền sôi động tiếp tục tiếp sức cho đà tăng của thị trường ở khởi đầu phiên. Trong đó, nhóm bluechip hầu hết đều khởi sắc, hỗ trợ tốt giúp VN-Index tiến gần với mốc 785 điểm ngay khi khớp lệnh.

Tuy nhiên, ngay khi chạm vào ngưỡng giá này, áp lực bán được đẩy mạnh khiến thị trường dần thu hẹp biên độ. Bên cạnh diễn biến phân hóa của thị trường, nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng quay đầu điều chỉnh, đã đẩy VN-Index về dưới mốc 780 điểm.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi đà điều chỉnh sau tuần mất điểm vừa qua, thì VPB đã giao dịch bùng nổ sau thông báo về việc lấy ý kiến bằng vản bản đối với một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, HĐQT VPBank trình ĐHĐCĐ phương án mua lại tối đa 122 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, nhằm hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông; đồng thời sẽ lấy ý kiến để thống nhất tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại sẽ giảm từ 22,77% xuống 15%.

Ngay sau khi mở cửa, VPB đã tăng kịch trần với giao dịch khá sôi động. Tuy nhiên, cung ngoại lớn đã phần nào tác động khiến VPB thu hẹp biên độ và sau khoảng hơn 90 phút giao dịch, VPB +5,5%, tạm đứng tại mức giá 21.550 đồng/CP.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, việc thị trường đi ngang hoặc hồi phục sau khi tạo đáy thì ngoài các cổ phiếu lớn tăng điểm mang tính dẫn dắt thì còn những cổ phiếu vừa và nhỏ "ăn theo" đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ nhạy với biến động của VN-Index. Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn duy trì sóng lớn. Trong đó, các mã ROS, AMD, HCD, QCG, HHS… đang khoác áo tím, còn FLC, HAI, HAG, ITA… cũng tăng khá tốt.

Sau hơn 1 giờ giằng co dưới mốc 780 điểm, áp lực bán bất ngờ gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE giao dịch phân hóa có 168 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index giảm 2,78 điểm (-0,36%), xuống 773,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 194,8 triệu đơn vị, giá trị 2.911,29 tỷ đồng, tăng 32,2% về khối lượng và 33,24% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (24/4). Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 37 triệu đơn vị, giá trị 659,31 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng, trong khi đó tới 23 mã giảm. Trong đó, bên cạnh họ nhà Vin quay đầu, nhiều mã lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm hơn, đang kể là dòng bank. Bên cạnh đó, SAB, MSN, PLX, BVH, GAS, FPT… cũng đều có mức giảm nhẹ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu tác động của thị trường khi các mã ROS, AMD, KBC, HAI đều mất sắc tím. Trong đó, ROS +4,6% lên 3.880 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 11,6 triệu đơn vị; AMD +5,2% lên 3.450 đồng/CP và khớp 7,33 triệu đơn vị, ITA +4,8% lên 2.380 đồng/CP và khớp 5,88 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, áp lực bán dâng cao cũng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh sau khi le lói sắc xanh đầu phiên. Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,51%) xuống 106,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 169,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,3 triệu đơn vị, giá trị 36,76 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip tác động thiếu tích cực lên thị trường khi phần lớn đều mất điểm như ACB -0,5% xuống 20.200 đồng/CP, SHB -1,8% xuống 16.100 đồng/CP, DGC -0,4% xuống 26.900 đồng/CP, PVS -0,9% xuống 11.600 đồng/CP, PVB -4,3% xuống 13.500 đồng/CP, VCG -0,8% xuống 24.900 đồng/CP… Trái lại, VCS quay đầu hồi nhẹ sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước và chốt phiên +0,7% lên 60.200 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF có chút rung lắc nhưng vẫn giữ được sắc tím khi chốt phiên đứng tại mức giá 2.000 đồng/CP, tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, đạt 746 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù diễn biến cũng khá rung lắc nhưng thị trường đã giữ được sắc xanh nhạt. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 51,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 6,16 triệu đơn vị, giá trị 71,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.

Sau 2 phiên tăng khá tốt cuối tuần trước, cổ phiếu BSR đã quay đầu giảm 1,7% xuống mức 5.900 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản UPCoM, đạt 1,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, LPB tiếp tục đứng thứ 2 về thanh khoản với khối lượng giao dịch hơn 0,95 triệu đơn vị nhưng chốt phiên sáng nay tiếp tục để mất 1,4%, tạm đứng tại mức giá 6.800 đồng/CP.

Trái lại, sắc xanh tại một số mã lớn như VGI, QNS, VEA, BCM…, đặc biệt BCM +10,15% lên 23.500 đồng/CP, đã phần hỗ trợ giúp thị trường giữ được nhịp tăng.

Đánh giá về phiên giao dịch, các chuyên gia cho rằng: thị trường đã quay đầu điều chỉnh sau 3 tuần hồi phục liên tiếp do áp lực bán gia tăng ở các nhóm cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là dòng bank. Trong đó, tâm điểm đáng chú ý là phiên lao dốc ngày 21/4 bởi tác động của giá dầu thô giảm kỷ lục, thậm chí rơi xuống mức âm.

Bên cạnh đó, một trong trong những yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường là nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ đầu tháng 4 đến nay, khối này chưa có phiên nào mua ròng và giá trị bán ròng thường được duy trì hàng trăm tỷ đồng qua mỗi phiên giao dịch. Đặc biệt, tuần vừa qua, khối ngoại đã ghi nhận tuần bán ròng mạnh nhất trong 4 tuần, với tổng giá trị vượt 1.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường không quá tiêu cực khi dòng tiền nội hoạt động khá tích cực giúp các chỉ số hồi phục trong 3 phiên cuối tuần. Dù đà tăng không quá mạnh nhưng đây cũng là những tín hiệu giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng tăng của thị trường trước bối cảnh dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát khá tốt khi nhiều ngày liên tiếp không có ca nhiễm ngoài xã hội nào.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, sau giai đoạn tăng điểm trong hưng phấn với dòng vốn nội đổ mạnh vào thị trường, thị trường đang bước vài giai đoạn phân hóa và dòng tiền chảy vào nhóm các ngành/cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Kết quả kinh doanh quý I cũng như số liệu kinh tế tháng 4 sẽ có công bố hết trong tuần tới, khi đó tác động thực của đại dịch sẽ thẩm thấu vào thị trường. Mặc dù vậy, khả năng trong tuần tới thị trường sẽ tiếp tục xu thế đi ngang là chủ đạo, vẫn sẽ có những nhóm cổ phiếu giảm mạnh bên cạnh những nhóm tăng mạnh.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm