Giữ việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19

(BKTO) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, ở nước ta, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, bởi vậy, người lao động đang đối mặt với những rủi ro rất lớn về việc làm. Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ vào những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động (NLĐ), giảm thiểu sa thải lao động; đồng thời, cần có chính sách cho nông dân, hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ.




Chính phủ cần hướng sự hỗ trợ vào những DN có thực hiện các biện pháp để giữ NLĐ. Ảnh: TTXVN
Hơn 22 triệu lao độnglàm việc trong lĩnh vực rủi ro

Đề cập đến lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - TS. Chang-Hee Lee - cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên với DN và việc làm. Đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có khoảng 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng; còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, 50% các DN tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên không được cải thiện. Do đó, cần đợi kết quả của cuộc Điều tra lao động việc làm và DN đang được Tổng cục Thống kê và ILO phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại diện ILO, dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới từ sau Thế chiến thứ II tới nay. Theo ước tính của ILO, các biện pháp chống dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ NLĐ toàn cầu (chiếm 81% lao động). Trong đó, có 38% lao động làm việc trong các lĩnh vực sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ phải sa thải người làm, giảm lương, giảm giờ làm, như: dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản, vận tải, giải trí.

“Ở Việt Nam, những lĩnh vực trên đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động (tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam). Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chỉ nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của DN và duy trì lực lượng lao động” - ông Chang-Hee Lee nhận định. Theo ILO, các ngành nghề trên đều là lĩnh vực thâm dụng lao động, với tay nghề lao động thấp và giá nhân công rẻ, phụ nữ chiếm đa số, họ rất dễ bị tổn thương, do đó, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.

Hướng sự hỗ trợ đếncác doanh nghiệp nỗ lực giữlao động

Theo ILO, mặc dù tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm nhưng hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Trong khi đó, lao động di cư trong nước, chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội.

Ông Chang-Hee Lee nhận định, trong tình hình hiện tại, các DN khả năng sẽ phải cho thêm nhiều NLĐ nghỉ việc - điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng xã hội. Điều quan trọng cần làm hiện nay là tập trung duy trì việc làm bằng cách hướng sự hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ NLĐ và bảo vệ sức khỏe của NLĐ, như việc đổi ca hằng ngày có thể vừa giúp giữ NLĐ vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn, giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm. Để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa DN với NLĐ và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận. Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin, sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và DN thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội, giúp nền kinh tế hồi phục khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn.

Ngoài ra, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thì chính lực lượng này mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân.

Đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập, ILO cho rằng, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này, không chỉ có Chính phủ mà cả DN, công đoàn và NLĐ phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do dịch bệnh gây nên.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế,  phí lên tới hơn 46.000 đồng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Tài chính đã và đang đề xuất miễn, giảm thuế, phí lên đến 46.000 tỷ đồng, bên cạnh việc khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng nhằm gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho người dân và DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
  • Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng  lớn đến cộng đồng doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những tác động, ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 đến cộng đồng DN đã được lượng hóa bằng những con số cụ thể, như: mức gia tăng thấp của số DN thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô DN và sự gia tăng mạnh mẽ của số DN ngừng hoạt động trong ngắn hạn. Thực tế đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ DN trụ vững trong khó khăn.
  • Ưu tiên chiến lược giúp doanh nghiệp lớn ứng phó với đại dịch Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra cho các DN lớn của Việt Nam để ứng phó với đại dịch Covid-19 là phải chuẩn bị sẵn sàng nhất cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị tốt nhất để phục hồi nhanh chóng trong kịch bản khả thi nhất.
  • Năm triệu người lao động đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong 4 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệch Covid-19 lên tới gần 5 triệu người. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng là ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu về các sản phẩm này đều giảm mạnh.
  • Giá dầu thô giảm tác động thế nào đến thu ngân sách?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Số thu từ dầu thô chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách, vì vậy tác động từ việc giảm giá dầu không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu. Bộ Tài chính đang bám sát diễn biến tình hình và tính toán các yếu tố tác động.
Giữ việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19