Chứng khoán thế giới "đỏ lửa"
Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trước dự đoán FED có thể nâng lãi suất - Nguồn: Reuters |
Khép phiên giao dịch 13/6 (giờ địa phương), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,8% xuống 30.516,74 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 3,9% xuống 3.749,63 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4,7% xuống 10.809,23 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa giảm 1,5% xuống 7.205,81 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) giảm 2,4% xuống 13.427,03 điểm, chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) giảm 2,7% xuống 6.022,32 điểm, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,7% xuống 3.502,50 điểm.
Tương tự, thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch "đỏ lửa" trong ngày 13/6, hòa theo xu hướng giảm của thị trường chứng khoán thế giới, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên sau khi dấy lên những dự đoán rằng lạm phát cao kỷ lục của Mỹ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thúc đẩy tích cực hơn nữa kế hoạch nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 836,85 điểm (3,01%), xuống 26.987,44 điểm.Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi cũng giảm xuống mức thấp nhất 19 tháng do quan ngại về tình hình lạm phát của Mỹ và đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi hạ 91,36 điểm (3,52%), xuống 2.504,51 điểm, đánh dấu phiên đi xuống thứ năm liên tiếp.
Không nằm ngoài bầu không khí ảm đạm trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt hạ điểm. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 738,60 điểm (3,39%) và 29,28 điểm (0,89%), xuống 21.067,58 điểm và 3.255,55 điểm.
Giá dầu thế giới cũng khép lại phiên 13/6 đầy biến động với mức tăng nhẹ, khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt làm làm gia tăng lo ngại rằng nhu cầu sẽ chịu áp lực do tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở Trung Quốc cũng như nhiều đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.
Kết thúc phiên 13/6, giá dầu Brent tăng 26 xu Mỹ lên 122,27 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 26 xu Mỹ lên 120,93 USD/thùng.
Nguồn cung dầu đang bị thắt chặt khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lơn ngoài khối (nhóm OPEC+) không thể cung cấp đầy đủ sản lượng đã cam kết tăng do nhiều lí do. Trong bối cảnh như vậy, số liệu mới nhất từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) cho thấy giá xăng trung bình của Mỹ lần đầu tiên vượt 5 USD/gallon hôm 11/6. Một yếu tố khác cũng tác động lớn tới thị trường là tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường tại Trung Quốc.
Bitcoin chạm đáy của 18 tháng
Bitcoin đã mất tới 66% giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái -Nguồn: CNN |
Bitcoin đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong 18 tháng và để mất ngưỡng 23.000 USD trong phiên 13/6, giữa lúc các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro khi đối mặt với đợt bán tháo dữ dội của thị trường toàn cầu.
Cụ thể, số liệu từ chuyên trang tiền điện tử Coindesk cho thấy bitcoin đã lao dốc tới 16,6% trong 24 giờ qua xuống mức 22.209 USD trong phiên 13/6. Đây là lần giảm tới hai chữ số hiếm hoi của đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới này, cũng đồng thời đánh dấu chuỗi giảm của bitcoin đã kéo sang ngày thứ bảy liên tiếp.
Tính đến hiện tại, bitcoin đã để mất tới 66% giá trị kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 68.991,85 USD đổi 1 bitcoin vào tháng 11 năm ngoái. Theo giới quan sát, diễn biến trên là do các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất hơn nữa để chống lạm phát phi mã.
Đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới cũng chịu một cú sốc nặng nề từ tin tức rằng nền tảng cho vay bằng tiền điện tử Celsius Network đã tạm dừng hoạt động rút tiền. Thông báo chính thức của nền tảng cho biết kể từ ngày 13/6, họ sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi và chuyển tiền giữa các tài khoản, viện dẫn lý do “điều kiện thị trường khắc nghiệt."
Báo cáo mới nhất của công ty tổng hợp dữ liệu CoinGecko cho hay thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện có giá trị dưới 1.000 tỷ USD. Con số này giảm so với mức hơn 3.000 tỷ USD cao kỷ lục cách đây bảy tháng, khi thị trường bắt đầu ghi nhận “làn sóng” nhu cầu trong bối cảnh các tổ chức tài chính lớn ngày càng chấp nhận tiền điện tử.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực tiền điện tử đã được hưởng lợi từ lượng tiền mặt dồi dào do các chính sách tiền tệ nới lỏng từ các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao đã khơi mào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất trên toàn cầu để kiểm soát lạm phát, góp phần đẩy lĩnh vực này đi xuống.
Nhà phân tích Susannah Streeter thuộc công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown nhận định với thời đại tiền rẻ sắp kết thúc, các nhà giao dịch đang sợ rủi ro hơn và quay lưng với các tài sản tiền điện tử.
Ông Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno, cho hay kể từ tháng 11/2021, tâm lý thị trường đã thay đổi mạnh mẽ do Fed tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.Hiện tại, đồng tiền điện tử này đã giảm sâu so với mức cao nhất từ trước tới nay mà nó đạt được vào tháng 11 năm ngoái. Do vậy, thị trường có thể chứng kiến giá bitcoin thấp hơn nhiều trong một hoặc hai tháng tới.