Đoàn KTNN dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Minh Thái
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc chăm sóc người có công với nước. Tư tưởng cùng sự chỉ đạo và những việc làm thiết thực của Người đã, đang và tiếp tục trở thành sự mẫu mực, ngời sáng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định rõ: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” và “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào”. Vì vậy, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ” và “Tổ quốc, đồng bào, phải biết ơn, phải giúp đỡ” thương binh. Người kêu gọi: “…Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người mong muốn: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch, sự tri ân, giúp đỡ ấy phải thiết thực, hiệu quả, thường xuyên, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những người có công với nước.
Ngày 16/02/1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên của nhà nước thực hiện chế độ chăm sóc người có công với nước. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày thương binh, liệt sĩ, “là một dịp để cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến” với thương binh, gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Hội nghị đại biểu của Tổng bộ Việt Minh và đại diện các tổ chức đoàn thể, một số địa phương họp tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc”. Đến tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước đã đổi tên ngày “Thương binh toàn quốc” 27/7 thành “Ngày thương binh, liệt sĩ” 27/7.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nỗ lực làm theo tư tưởng, tình cảm và tấm gương Hồ Chí Minh trong chăm sóc người có công. Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, Đảng đều có chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của người có công. Nghị quyết Đại hội Đảng thường xuyên đề ra nội dung, giải pháp chăm sóc người có công và tích cực huy động sức mạnh của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân cùng thực hiện. Những năm gần đây, công tác chăm sóc người có công càng được chú trọng hơn. Tháng 9/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 14-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng”. Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng, ngày 30/12/2021 Chính phủ ra Nghị định số 131/2021/NĐ-CP “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”. Qua đó, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để cả nước phấn đấu thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với nước với mục tiêu đặt ra là: “Bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Cùng với các chế độ ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển mạnh mẽ trong cả cộng đồng với sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Các phong trào xã hội hóa như: Xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, tặng quà người có công, hỗ trợ người có công trong sản xuất, kinh doanh… diễn ra thường xuyên, sôi động, hiệu quả. Bản thân người có công cũng chủ động, tự giác nỗ lực vượt khó vươn lên, tự chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Nhờ vậy, đời sống mọi mặt của người có công trên phạm vi cả nước luôn ổn định và phát triển. Nhiều gia đình người có công còn có mức sống khá và giàu, trở thành những tấm gương tốt trên địa bàn dân cư.
Hòa cùng phong trào chung của cả nước, Kiểm toán nhà nước đã có đóng góp tích cực vào hoạt động tri ân người có công với cách mạng. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước tự giác tham gia Đền ơn đáp nghĩa với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Hằng năm, nhất là dịp 27/7, Kiểm toán nhà nước chủ động, tích cực tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công. Nhiều đoàn cán bộ Kiểm toán nhà nước đến tận nơi thăm tặng quà các thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần tại tỉnh Nghệ An; Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Cán bộ và nhân dân ở xã Sơn Trà và xã Quang Diệm của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn xúc động nhớ về tình cảm đằm thắm mà Công đoàn Kiểm toán nhà nước phối hợp với Công đoàn Thanh tra Kiểm toán nhà nước và Công đoàn Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI dành cho người có công ở địa phương với hai ngôi nhà tình nghĩa và những suất quà tri ân nhiều ý nghĩa. Việc làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc là Kiểm toán nhà nước luôn chú ý giáo dục tuổi trẻ Kiểm toán nhà nước thông qua những việc làm cụ thể tri ân người công với cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân. Vừa qua, Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở Tài chính tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình Vì biển đảo quê hương năm 2022, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Đảo Mắt, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, nhiều hoạt động tri ân của Kiểm toán nhà nước, trong đó có lực lượng trẻ đã và đang được triển khai sôi động, hiệu quả.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản, nổi bật, hiện nay công tác chăm sóc người có công vẫn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm. Một bộ phận người có công, nhất là các đối tượng bị thương tật nặng, tuổi cao, sức yếu, cuộc sống còn khó khăn. Việc chăm sóc về y tế, giáo dục, hỗ trợ việc làm cho người có công và thân nhân của họ vẫn còn hạn chế, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện tượng khai man hồ sơ để hưởng chính sách ưu đãi, lợi dụng chính sách ưu đãi để ăn chặn, thu lợi bất chính… chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số chính sách ưu đãi người có công còn bất cập nhưng chậm được điều chỉnh, khắc phục…
Vì vậy, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, đồng thời tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác chăm sóc người có công theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người có công và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”./.
CÔNG MINH