IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo dịch Covid-19 sẽ khiến Trung Quốc giảm 0,3 - 1% GDP. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể giảm 0,1 - 0,5%, tức còn khoảng 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi hàng nghìn tỷ USD…
OECD khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và DN dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch Covid-19; đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các DN ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.
Dịch bệnh Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu NSNN cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch có thể tăng lên. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, dịch bệnh có thể làm giảm số thu NSNN năm 2020 từ 18.000 đến 42.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư giảm thu khoảng 9.000 đến 23.000 tỷ đồng; làm giảm tăng trưởng 0,55- 0,84% GDP năm 2020.
Nhiều DN bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liêu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm, nhất là trong các ngành dệt may và da giầy, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… phụ thuộc nguyên thị trường nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt, Việt Nam cần tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Đồng thời, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng DN cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tự tháo gỡ khó khăn; tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và tăng giá trị sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn…
Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng DN đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng. NHNN cũng sẽ sớm giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu... Qua đó sẽ giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, từ đó có thêm điều kiện nguồn vốn hỗ trợ các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các Bộ, ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng DN và người dân cả nước, hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục…
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế