Để tiêu thụ hết nông sản, cần giao dịch hàng hóa qua sàn giao dịch độc lập, hay chợ đầu mối hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, từ 29/1/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh, đã có tác động nhất định tới nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Trước tình hình này, Bộ Công thương liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (thanh long và dưa hấu) cần có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đó.
Do các mặt hàng trái cây chịu sức ép về thời vụ và bảo quản, nên đang gặp khó và không dễ chuyển hướng thị trường xuất khẩu, do chưa được phép nhập khẩu chính thức, hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… Đơn cử cụ thể với dưa hấu bọc lót bằng rơm rạ thì sang Trung Quốc theo đường xuất khẩu chính ngạch còn khó chưa nói là tới châu Âu hay thị trường Hoa Kỳ. Nếu khâu trồng trọt, sản xuất đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu thì không chỉ cơ hội thẳng tiến vào thị trường Trung Quốc mà kể cả khi thị trường Trung Quốc “cảm cúm”, nông sản Việt cũng sẽ dễ dàng chuyển hướng đến các thị trường khác.
Bởi trên thực tế, Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. theo Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc đạt mức 34,04 tỷ USD. Đáng kể nữa là, Trung Quốc đang là thị trường khổng lồ của nông lâm, thủy sản Việt Nam (chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn nhiều so với dịch SARS trước đây, dự báo dịch bệnh Covid-19 có phạm vi ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu tương đối rộng, mà thương mại biên giới bị ảnh hưởng lớn nhất. Do đó, nhiều ngành hàng đang chuyển hướng để thích ứng nhanh với biến động mạnh từ thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống này, đồng thời coi đây là cơ hội để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu mạnh mẽ.
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đã được Bộ Công thương đề xuất nhằm tháo gỡ phần nào những thách thức mà nông dân, doanh nghiệp đang phải đối mặt: tiếp tục chỉ đạo hệ thống thương vụ vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu. Tìm kiếm thị trường mới, gia tăng giá trị bằng sản phẩm chế biến sâu, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó, song lâu nay, nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta vẫn chưa làm tốt, điển hình là nông sản…
Vừa qua, đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ và Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã có nhiều buổi làm việc song phương với các cơ quan, hiệp hội liên quan để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá ba sa, vải, nhãn, chôm chôm...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sẽ sát cánh cùng người nông dân thay đổi tập quán trồng trọt từ bao đời nay. Thậm chí, trồng trọt phải theo tín hiệu thị trường, theo tiêu chuẩn chất lượng như bất kỳ loại hàng hóa nào khác, nghĩa là ngay từ đầu phải xác định sản xuất ra bán cho ai, với giá nào, bán ở đâu và ở thời điểm nào là hiệu quả nhất…
Để hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc, kể cả những thị trường khó tính nhất một cách thuận lợi, thì giao dịch hàng hóa nông sản tiến tới phải thông qua các sàn giao dịch độc lập, hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập một cách hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đi kèm với đó là một hệ thống phân phối quốc gia bao gồm chợ, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn được phát triển theo quy hoạch chung của các địa phương và trên toàn quốc có năng lực đủ lớn để điều tiết, tiêu thụ hàng hóa một cách hợp lý.
Theo thoibaonganhang.vn