Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo tài chính: Nỗ lực hoàn thiện để tiến gần hơn với thông lệ quốc tế

(BKTO) - Chương trình kiểm toán mẫu báo cáo tài chính (CTKTM-BCTC) 2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Việc áp dụng Chương trình này sẽ giúp cho các kiểm toán viên (KTV) cũng như các DN kiểm toán khắc phục được những hạn chế trong thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro đối với kiểm toán BCTC.



Tăng cường đánh giá rủi rovà thực hiện thử nghiệmkiểm soát

Phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro được yêu cầu đối với kiểm toán BCTC ở Việt Nam từ năm 2014, khi Bộ Tài chính ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán định kỳ của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro chưa được áp dụng hiệu quả trong các cuộc kiểm toán. Trong khi đó, môi trường kinh doanh của các DN ngày càng phức tạp, rủi ro tiềm tàng, đặc biệt là các tổ chức niêm yết. Nếu các KTV chỉ tập trung vào phương pháp kiểm tra cơ bản số liệu, thông tin trên sổ, tài liệu kế toán của DN thì họ rất khó nhận diện một cách đầy đủ, thậm chí là bỏ sót nhiều rủi ro quan trọng.

Trong CTKTM-BCTC mới, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã hướng dẫn, thêm mới các biểu mẫu với nội dung rất chi tiết nhằm tăng cường việc xác định, đánh giá rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch. Khi thực hiện cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, KTV có thể cần nhiều thời gian để nhận diện đầy đủ các rủi ro trong năm đầu, nhưng sẽ tiết kiệm được thời gian một cách đáng kể trong các năm kiểm toán tiếp theo. Đặc biệt, thông qua phương pháp này, giá trị kiểm toán độc lập sẽ được nâng cao do KTV hiểu sâu sắc về rủi ro, khiếm khuyết kiểm soát của DN và đưa ra được các khuyến nghị hoàn thiện chu trình, kiểm soát phù hợp cho khách hàng.

CTKTM-BCTC mới khuyến khích KTV thực hiện các thủ tục kiểm tra tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát (thử nghiệm kiểm soát). KTV áp dụng thử nghiệm kiểm soát để nâng cao hiệu quả cuộc kiểm toán do giảm phạm vi các thủ tục kiểm tra chi tiết. Đồng thời, phương pháp này còn là xu hướng tất yếu trong kiểm toán để đảm bảo phù hợp với đặc điểm phát triển của khách hàng khi các DN ngày càng mở rộng quy mô. Ngoài ra, tăng cường kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và thực hiện thử nghiệm kiểm soát còn giúp nâng cao hiệu quả cuộc kiểm toán thông qua việc giảm áp lực công việc cho KTV trong mùa kiểm toán bởi các thủ tục đánh giá rủi ro và thử nghiệm kiểm soát có thể thực hiện trước trong năm thay vì tập trung hết vào cuối năm.

Tập trung vào các thủ tụckiểm toán quan trọng

CTKTM-BCTC mới thay đổi hoàn toàn kết cấu chương trình kiểm toán các khoản mục trên BCTC. Việc thay đổi này nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa kết quả xác định, đánh giá rủi ro với việc thiết kế thủ tục kiểm toán, khắc phục hạn chế tồn tại lâu nay là không thiết kế thủ tục kiểm toán phù hợp với rủi ro mà chỉ áp dụng các thủ tục có sẵn trong CTKTM-BCTC cho tất cả khách hàng. Với mục tiêu này, chương trình kiểm toán theo thiết kế mới yêu cầu KTV phải đánh giá mức độ rủi ro (cao/trung bình/thấp) theo từng cơ sở dẫn liệu của khoản mục và chỉ rõ các thủ tục kiểm toán tương ứng để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã xác định trước đó trong giai đoạn đánh giá rủi ro (đặc biệt là các rủi ro đáng kể, rủi ro gian lận).

Ngoài ra, để hỗ trợ KTV, CTKTM-BCTC 2019 đã thêm mới các câu hỏi gợi ý trong chương trình kiểm toán từng khoản mục và Thư viện các thủ tục kiểm toán bổ sung tương ứng để xử lý các rủi ro đặc biệt. Các câu hỏi trong từng chương trình kiểm toán không nhằm mục đích đánh giá rủi ro mà để hỗ trợ KTV cân nhắc lựa chọn, sửa đổi các thủ tục kiểm toán phù hợp với đặc điểm cụ thể của khách hàng. Cách thiết kế dựa vào câu hỏi để lựa chọn, sửa đổi thủ tục kiểm toán sẽ thuận lợi và phù hợp với xu hướng áp dụng phần mềm quản lý cuộc kiểm toán của các DN kiểm toán hiện nay và trong thời gian tới.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán, chương trình kiểm toán mới đã cụ thể hóa nhiều thủ tục kiểm toán và bổ sung các thủ tục còn thiếu so với trước. Từ giai đoạn lập kế hoạch, thực hiện, đến giai đoạn kết thúc cuộc kiểm toán, CTKTM-BCTC mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều biểu mẫu để giúp KTV thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán và đảm bảo cuộc kiểm toán tuân thủ chuẩn mực, bao gồm: Hợp đồng kiểm toán và soát xét; Chiến lược kiểm toán tổng thể; Các biểu mẫu trao đổi với đơn vị được kiểm toán; Các biểu thủ tục chung; Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán; Soát xét BCTC trước khi phát hành; Các mẫu báo cáo kiểm toán...

Ngoài ra, để tránh trường hợp KTV gặp khó khăn trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, CTKTM-BCTC mới đã bổ sung nhiều hướng dẫn với các ví dụ minh họa cụ thể như: lựa chọn tiêu chí thích hợp để xác định mức trọng yếu tổng thể, xác định cỡ mẫu trong thử nghiệm kiểm soát đối với các kiểm soát diễn ra theo tần suất giao dịch (các giao dịch thường xuyên) và mẫu giấy làm việc ghi chép kết quả thực hiện thử nghiệm kiểm soát, dự tính sai sót cho tổng thể từ sai sót phát hiện trong mẫu, đánh giá các sai sót phát hiện trong cuộc kiểm toán.

Như vậy, sau lần cập nhật thứ 3, CTKTM-BCTC 2019 đã thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước đó theo hướng tiếp cận tương đối đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Để thúc đẩy việc áp dụng CTKTM-BCTC mới một cách hiệu quả, VACPA đã và đang xây dựng các tài liệu đào tạo nhằm đẩy mạnh việc phổ biến và hỗ trợ đối tượng áp dụng hiểu đầy đủ, chính xác các yêu cầu của CTKTM-BCTC 2019, qua đó vận dụng linh hoạt và thích hợp vào từng cuộc kiểm toán.
TS. HÀ THỊ NGỌC HÀ - Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam
Cùng chuyên mục
Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo tài chính: Nỗ lực hoàn thiện để tiến gần hơn với thông lệ quốc tế