Chuyển biến rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri

(BKTO) - Công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Theo đó, công tác này đã có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.



Sáng nay (04/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội bước vào hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.                
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sáng 04/6 - Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV nêu rõ, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay, toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời (đạt 100%).

Kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá của 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đều cho thấy, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành kỳ này đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

Nhiều Bộ, ngành đã được một số Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao trong giải quyết nhanh chóng, dứt điểm một số kiến nghị cụ thể của địa phương, như Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông…

Một số Bộ, ngành có số lượng kiến nghị cử tri nhiều, khối lượng công việc lớn nhưng Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo và ký văn bản trả lời, thể hiện trách nhiệm cao đối với cử tri. Vì vậy, nhiều vấn đề đã được giải quyết dứt điểm, như Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (208 kiến nghị), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (171 kiến nghị), Bộ Tài nguyên và Môi trường (159 kiến nghị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (148 kiến nghị)... Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế còn cung cấp số điện thoại ngay trong văn bản trả lời để tiếp nhận, xử lý những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

         
Theo đánh giá của các Đoàn đại biểu Quốc hội, điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành kỳ này là có đến 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết ngay đều đã được các Bộ, ngành xây dựng lộ trình giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước). Đây là một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động.
Việc giải quyết các kiến nghị về chính sách thu hút đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ,.. đề ra nhiều giải pháp hiệu quả; đồng thời, Thủ tướng đã có buổi đối thoại với nông dân để lắng nghe nguyện vọng, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Quý I, khu vực nông nghiệp đạt được kết quả tăng trưởng vượt trội (3,76%), cao nhất trong 12 năm qua.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng kinh tế thời gian qua, được cử tri ghi nhận.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu lên những bất cập, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ và các Bộ, ngành. Theo đó, có tới 43/59 Đoàn đại biểu Quốc hội nêu nhận xét, một số Bộ, ngành trả lời vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung, diễn giải nhiều nhưng không đủ thông tin, không rõ trách nhiệm và hướng giải quyết.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật không phù hợp thực tiễn còn chậm. Tính đến 20/4/2018, còn 101 văn bản chậm sửa đổi, đặc biệt trong đó, Luật Cán bộ, công chức ban hành đã 10 năm nhưng vẫn thiếu văn bản hướng dẫn về việc xử lý kỷ luật đối tượng là cán bộ khi vi phạm; một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa đúng với nội dung luật nhưng chậm được sửa đổi… Một số văn bản pháp luật áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc nhưng chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số vấn đề đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ họp trước nhưng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Cụ thể, Báo cáo kỳ trước nêu việc công bố lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương chưa được thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân (có tới 35 tỉnh và 19 Bộ, ngành không công bố lịch), điều này sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của công tác tiếp công dân. Tuy nhiên, sau 7 tháng, ngày 25/4/2018, kết quả truy cập Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan trên cho thấy, việc khắc phục vẫn chưa đáng kể, cụ thể, vẫn có 36 tỉnh (tăng 1 tỉnh) và 12 Bộ, ngành (giảm 8 Bộ) không công bố lịch.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc cắt giảm điều kiện, đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng đến nay, mới chỉ có các Bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt cắt giảm; các Bộ, ngành còn lại chưa có thông báo cắt giảm; một số Bộ, ngành có chức năng phục vụ, tiếp xúc nhiều với người dân nhưng việc cải cách thủ tục hành chính chưa được quan tâm thỏa đáng…
         
Tiếp thu kiến nghị của cử tri Vĩnh Long, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Tháp... về việc cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hay xảy ra sai phạm, tham nhũng, lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa DN, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... tại nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố. Cụ thể: trong năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng... tăng hơn 2 lần so với năm trước.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Chuyển biến rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri