Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang mang lại những tác động tích cực, giúp phục hồi nhanh nền kinh tế

(BKTO) - Phát triển kinh tế cần phải gắn với việc chuyển đổi số để phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như đi đôi với các giải pháp bảo vệ môi trường, từ đó đảm bảo hiệu quả, tính bền vững cho nền kinh tế. Đây là lưu ý được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ trì tổ chức ngày 26/11.



Những thách thức mới đặt ra cho toàn cầu

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động chưa từng có trong tiền lệ trên phạm vi toàn cầu. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư, gây ra sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu. Nền kinh tế thế giới đã rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Trung

   

Cùng với đó, biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ hết, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của con người trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả các hoạt động kinh tế và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở khắp nơi trên thế giới được đẩy mạnh, đã và đang góp phần giúp các quốc gia và DN vượt lên khó khăn của đại dịch toàn cầu, giúp hoạt động giao tiếp, kết nối, kinh doanh sản xuất, thương mại và đầu tư của con người được duy trì và tiếp tục phát triển.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng tích hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một lựa chọn góp phần giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển bền vững và chủ động phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide, Australia, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực kinh tế tiên phong đề xuất cơ chế này. Theo đó, EU đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các tổ chức, DN phải thực hiện các biện pháp để đáp ứng chứng chỉ về chỉ tiêu các bon, nhất là với các DN nhập khẩu vào EU.

Bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, một trong những điểm nhấn để thay đổi trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi về nhận thức của DN và người dân. Vấn đề đặt ra là cần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về thương mại điện tử và kinh tế số để đảm bảo cân bằng cho sự phát triển vĩ mô cũng như hoàn thiện chính sách, thể chế trong phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đánh giá về những kết quả thích ứng của Việt Nam trong tình hình mới, ông Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam cho biết, Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, gây ra đứt gãy thương mại toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những thích ứng nhanh chóng để từng bước khắc phục rào cản của giãn cách xã hội, triển khai nhiều hoạt động phù hợp với tình hình mới. “Ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã mang lại những tác động tích cực với thị trường, phục hồi nhanh nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp” - ông Vinh cho biết.

Hàm ý chính sách với Việt Nam

Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung chia sẻ về chính sách số hoá và xanh hoá của các nước, đặc biệt là khu vực EU - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; kinh nghiệm của các DN trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Kết quả của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cũng như những tác động của các kết quả này đến quá trình khôi phục, phát triển kinh tế của Việt Nam sau đại dịch.

Box: Quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh và hiệu quả với kim ngạch hai chiều tăng hơn 12 lần từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 50 tỷ USD năm 2020; xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020. Năm 2020, Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường EU với mức xuất siêu 29.307,1 triệu USD. Do đó, những chính sách thương mại mới của EU, trong đó có việc chú trọng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có tác động rất lớn đến Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự chuyển đổi cho phù hợp để nắm bắt tốt cơ hội.
                
   

Việt Nam cần đầy mạnh chuyển đổi số để tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Vnexpress

   

Theo bà Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, chiến lược thương mại mới của EU có ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hợp tác thương mại với Việt Nam. Việc ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam mang đến nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong điều kiện EU áp dụng chiến lược thương mại mới.

Đặc biệt, khi EU giảm bớt quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế hơn nhờ quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ có nhiều thời cơ để chứng minh và tạo sự khác biệt của Việt Nam so với Trung Quốc theo tiêu chuẩn mới của EU, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại.

Từ những thách thức, thời cơ được chỉ ra, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đó là, Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến nền kinh tế xanh, bền vững và kỹ thuật số để đáp ứng tiêu chuẩn của EU; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế số và xã hội số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cuối cùng xanh để đáp ứng các tiêu chí quan trọng (minh bạch, trách nhiệm với môi trường thành mô hình cạnh tranh, mở rộng các sáng kiến từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô đến hậu cần cuối cùng…); phát triển công nghiệp hỗ trợ (nguyên liệu đầu vào phải xanh: phân bón, linh kiện, ...); khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn để giúp các công ty trong nước tiếp cận thị trường EU…
NGUYỄN LỘC - QUANG TRUNG
Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang mang lại những tác động tích cực, giúp phục hồi nhanh nền kinh tế