Ngày 25/10, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Chuyển đổi số quốc gia và giải pháp ứng dụng vào hoạt động của Kiểm toán nhà nước” do CN. Nguyễn Thị Thái Hà và ThS. Trần Thị Phương Huyền (KTNN chuyên ngành II) đồng chủ nhiệm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.
Theo ThS. Trần Thị Phương Huyền, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã nhấn mạnh vào việc phát triển KTNN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động. Từ đó, nâng cao chất lượng kiểm toán, đóng góp quan trọng vào chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, đảm bảo mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Hiện nay, KTNN đã ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cho phát triển, ứng dụng CNTT; kết nối dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán trên nền tảng số hóa; tích hợp và chia sẻ các loại dữ liệu cần thiết cho công tác kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn. Cùng với đó, thiết lập khung hạ tầng số của KTNN và triển khai các dự án thí điểm cho quá trình chuyển đổi số.
Việc trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng đã được thực hiện thông qua trục tích hợp dữ liệu và KTNN đang trong quá trình triển khai đồng bộ các hệ thống phục vụ hoạt động điều hành, kiểm toán trên môi trường số. Đặc biệt, năm 2021, KTNN đã triển khai thực hiện dự án tư vấn xây dựng kiến trúc dữ liệu và quản trị dữ liệu tại KTNN. Điều này cho thấy công cuộc chuyển đổi số đang được cụ thể hóa và tích cực triển khai trong hoạt động của KTNN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy các chỉ số về hoạt động chuyển đổi số của KTNN còn thấp; hạ tầng CNTT, nền tảng số vẫn cần nhiều thời gian và nguồn lực để xây dựng và phát triển theo kịp xu thế chuyển đổi số. Để thực hiện cuộc kiểm toán hoàn toàn trên môi trường số, KTNN vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức, cũng như phải đồng bộ và nâng cao năng lực số của các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và kiểm toán viên.
Từ kết quả nghiên cứu, Ban Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận, thực tiễn về chuyển đổi số và nghiên cứu tác động của chuyển đổi số đến hoạt động của KTNN. Qua đó, đề xuất các giải pháp để KTNN phát triển phù hợp bối cảnh và xu hướng mới; ứng dụng CNTT để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao.
Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Chương trình chuyển đổi số quốc gia và tác động của chuyển đổi số đến hoạt động của KTNN; Chương 2 - Thực trạng hoạt động của KTNN trong xu thế chuyển đổi số; Chương 3 - Các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động của KTNN.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Để Đề tài hoàn thiện và mang tính ứng dụng cao, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài phân tích rõ hơn về nguồn lực hạ tầng số, nền tảng dữ liệu, qua đó thấy được sự khác nhau giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gắn với các yếu tố khác trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số cần một quá trình dài, do đó, Ban Đề tài cần có giải pháp và đưa ra lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn; các giải pháp gắn với từng giai đoạn của quá trình chuyển đổi số để đảm bảo tính khả thi. Cùng với đó, các giải pháp cần bám sát vào các vấn đề đang vướng mắc liên quan đến một số phần mềm kiểm toán như: cập nhật dữ liệu kết quả kiểm toán, kiến nghị kiểm toán; tổng hợp, khai thác dữ liệu; theo dõi việc thực hiện kiến nghị…
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ban Đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Đề tài. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, phân loại rõ từng nhóm khó khăn, hạn chế về chuyển đổi số gắn với đặc thù hoạt động chuyên môn của KTNN. Đồng thời, phân tích rõ nguyên nhân của các nhóm làm cơ sở đề xuất giải pháp.
Các giải pháp cần gắn với 5 phương diện chính của quá trình chuyển đổi số và lộ trình 6 bước chuyển đổi số. Đặc biệt, chú trọng một số giải pháp liên quan đến các phần mềm hoạt động kiểm toán hiện nay và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá./.