Chuyện về ngôi trường trong sương

(BKTO) - Ở nơi đó trẻ vượt núi 5-7 cây số đến trường. Trẻ co ro manh áo, sách vởkẹp ngang hông thay cặp. Còn các thầy giáo, cô giáo thì miệt mài hái từng bórau rừng, xách từng chai nước, nấu những bữa cơm thay cha, úp bát mỳ tôm thaymẹ, nỗ lực duy trì sĩ số để gieo con chữ. Ở cái nơi đất trời gặp nhau này,những câu chuyện của ngôi trường quanh năm mịt mù sương phủ, chúng tôi đã nghe,đã thấy, đã rưng rưng…




Để đến được Trường Phia Viềng, các cô giáo phải mất hàng giờ đi bộ vượt núi, Ảnh: TS
Vượt núi đến trường

Cơn mưa dai dẳng từ chiều tối qua vẫn chưa chịu ngớt. Thời tiết này, kể cả người bản địa cũng đều “ngán” những chuyến vượt rừng, vượt núi. Từ huyện lỵ Thông Nông chạy xe lên đến đỉnh Đèo Mã Quỷnh, chúng tôi đã thấy điểm trường chính của Trường Tiểu học Thị Xuân (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng). Theo lời giới thiệu của cô giáo người dân tộc Tày Lãnh Thị Nghị - Phó Hiệu trưởng nhà trường thì trường có tổng cộng 151 em học sinh và 22 giáo viên, ngoài điểm trường chính sát con đường lớn còn có hai điểm trường phụ là Lũng Hoàng và Phia Viềng. Để đến được hai điểm trường này phải mất hàng giờ đi bộ vượt núi. Gửi xe máy ở đỉnh đèo Mã Quỷnh, chúng tôi bắt đầu lần theo con đường mà hằng ngày các thầy cô đi lên điểm trường Phia Viềng.

Theo bước chân của thầy và trò nơi đây mới cảm hết được nỗi nhọc nhằn của người “gieo chữ”. Với những người ít leo núi thì chặng đường này quả là thử thách lòng dũng cảm. Đường đến trường của thầy trò ở đây không tính bằng km, mà tính bằng thời gian. Người đi quen thì chừng gần một giờ, còn không thì phải gấp đôi, ngày mưa thì lại càng mệt hơn. Men theo sườn núi, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, hun hút, ngẩng đầu lên có cảm giác như sắp đụng đầu phải những đám mây đang lởn vởn bay. Lối mòn dốc thẳng, quanh co, xuyên qua những dãy đá tai mèo sừng sững xếp tầng, nối tiếp nhau. Càng lên cao, càng mịt mù sương, heo hút. Cách nhau vài bước chân đã thấy hình bóng mờ ảo.

Cả đoàn cứ “lầm lũi” tiến từng bước, dù câu chuyện vẫn rôm rả nhưng ai cũng phải nhìn chằm chằm xuống chân để men theo những gờ đá tai mèo trơn như mỡ. Mới đầu, chúng tôi còn thao thao bất tuyệt, nhưng chỉ nửa tiếng sau, ai nấy đều không còn sức để nói. Chân bắt đầu nặng chịch bởi những mảng đất quấn quyện mưa rừng bám từng tảng vào đôi “tổ ong”. Nhiều đoạn phải dừng lại thở dốc. Trời đang mưa rét mà thấy người nóng bừng bừng. Cô Nghị thì vẫn tươi cười: “Đi vào mùa này còn đỡ, vào mùa mưa, vừa đi vừa phải né đàn vắt rừng bén hơi người búng ra tua tủa”.

“Một chậu nước dùng 4 lần”

“Các cháu từ Hà Nội lên! Mưa thế này mà các cháu cũng lên với chúng mình mọi người ơi!” - cô giáo Đàm Thị Tuyền reo lên khi chúng tôi vừa đặt chân đến trường. Trước sự niềm nở của các thầy cô giáo, cái mỏi mệt dường như cũng tan biến, nhường chỗ cho những câu chuyện nối tiếp nhau không dứt.

Ở Phia Viềng, nước quý như vàng. Hàng ngày để có nước nấu ăn bữa trưa, buổi sớm trước khi lên trường, các thầy cô phải đem theo mỗi người một chai nước nhỏ từ dưới núi lên. Rau cũng phải rửa từ nhà. “Hôm nay trời mưa, mọi người đi lên thì vất vả, nhưng các thầy cô lại có nước dùng” - cô Hoàng Thị Bông vừa nói vừa bưng một chậu nước nhỏ ra cho chúng tôi rửa chân tay. “Trên núi này, một chậu nước phải “4 trong 1”: đầu tiên là vo gạo rồi để rửa rau, rửa tay và cuối cùng là nấu cám lợn” - cô Nghị nói. Các thầy cô đã tự làm một đường máng hứng nước mưa từ mái hiên của lớp học, rồi cho chảy vào một thùng lớn trong bếp để sử dụng dần. Vì vậy, nước chỉ có nhiều nhất vào những ngày mưa.

Hơn 11 giờ trưa, mưa tạnh dần, nhưng nhìn xung quanh vẫn mịt mù sương phủ trắng xóa. Trường ở nơi đây chỉ đơn sơ hai dãy nhà nhỏ, nằm gọn trong một mảnh đất đã được dọn cho bằng phẳng, cheo leo giữa đỉnh núi, bủa vây giữa từng lớp đá tai mèo tua tủa và mênh mông mây trời. Các phòng học dù được xây kiên cố nhưng đều đã xuống cấp. Để có chỗ nghỉ trưa hoặc qua đêm, các thầy cô dùng tấm bạt mỏng ngăn một góc phòng học làm phòng ngủ. Trong phòng kê một giường nhỏ, góc giường có một thùng nhôm lớn để đựng tất cả chăn màn, quần áo và các vật dụng khác. “Nhiều lúc mệt, muốn nghỉ ở lại nhưng trên này không nước, không đồ ăn, nên dù mệt mấy cũng phải cố xuống núi” - cô Hằng cười cười. Cạnh trường là căn bếp tồi tàn được dựng tạm bợ bằng tre nứa để nấu nướng. Xung quanh che chắn bằng mấy tấm pờ-rô-xi-măng hở hoác, gió lùa tứ phía. Trong bếp, chỉ có vài cái bát, vài đôi đũa và mấy cái nồi cũ kỹ.

Cái gì cũng thiếu

Phia Viềng có 45 học sinh tiểu học. 100% các em đều là người Mông, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhiều em nói tiếng Việt chưa sõi. Vẫn còn gia đình thiếu đói đến 4-5 tháng trong năm.

Nhìn các em học sinh lớp 5 của Phia Viềng có lẽ chỉ lớn bằng em bé 4-5 tuổi ở thành phố. Tất cả các em học sinh mà chúng tôi hỏi chuyện như Hầu Văn Chiến, Hoàng Thị Nho, Dương Thị Xía, Dương Văn Só (lớp 5), Vương Chiêu Quân (lớp 1)… thì các em đều nói phải dậy từ sớm, đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới trường; nhà đều đông con; hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhiều em còn thiệt thòi do bố hoặc mẹ mất sớm. Cô Hằng cho biết, các em học sinh ở đây cái gì cũng thiếu, nhưng thiếu nhất là sách vở. Đường đi học thì xa, các em lại không có cặp nên hay mất. Nhiều hôm trời mưa, sách vở cũng ướt hết. Sách báo, sách tham khảo lại càng không có. Nhận thức của cha mẹ các em còn hạn chế nên việc giữ sĩ số lớp của thầy cô cũng gặp khó khăn.

“Còn nhiều em có hoàn cảnh thương lắm. Như em Só, bố mất năm kia rồi. 3 anh em nhà Só cùng học tại đây. Só học lớp 5, hai em đứa lớp 4 đứa lớp 2. Ấy vậy, ngày ngày, Só vẫn dắt em vượt rừng, vượt núi tới lớp học “con chữ”. Ở nơi lưng chừng trời này, át cả tiếng mưa lộp bộp, tiếng gió ù ù vần vò xơ xác tầu lá chuối ngoài sân, hàng ngày, các em vẫn mải miết đọc bài ê a. Cái âm thanh đó khiến chúng tôi cứ lặng người mà mải miết nghe. Thật thân thương, bình dị nhưng đầy cảm xúc.

Trời đã về chiều, cả đoàn chúng tôi lại vội vã xuống núi. Đứng trên đèo Mã Quỷnh, nhìn lên phía đỉnh núi, chẳng thấy gì ngoài một màu trắng xóa của sương và lấp ló con đường mòn quanh co uốn lượn giữa lởm chởm đá tai mèo nối với Phia Viềng - ngôi trường trong sương còn nhiều gian khó. Ở ngôi trường ấy, chẳng có gì ngoài mịt mù gió lộng và những cơn mưa rừng, căn phòng hẹp bốn bề hở tứ tung, chẳng đủ che gió trời và những hạt mưa. Nhưng ở nơi ấy, lại đong đầy tình yêu thương của các thầy, cô giáo dành cho học trò, vượt lên trên tất cả để ngày ngày họ bám trụ, nhọc nhằn “cõng” từng “con chữ” lên vùng “đất khát”. Chữ I, T, gieo vào đầu con trẻ, để sẽ có một ngày “con chữ” giúp các em thoát đói nghèo. Với những gì đã nghe, đã thấy, chúng tôi chợt nhận ra một điều, có lẽ, càng ở nơi gian khó càng làm cho những trái tim thêm vững vàng…./.
TÙNG LONG
Cùng chuyên mục
  • Nhạc sỹ Cát Vận:  “Hát về thành phố tên vàng”  trong ngày đại thắng
    8 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Là một trong số các tác giả có được những tác phẩm để đời trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhạc sỹ Cát Vận đã góp phần truyền cảm hứng chiến thắng tới nhiều thế hệ công chúng, nhân dân thông qua những sáng tác bất hủ, điển hình trong số đó là ca khúc “Hát về thành phố tên vàng”. Giờ đây đã ở tuổi 76, nhưng những kỷ niệm về lần đầu thu âm bài hát vẫn còn in đậm trong tâm trí nhạc sỹ.
  • Đảm bảo tài chính bền vững và chất lượng dịch vụ y tế
    8 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hội thảo “Báo cáo kết quả phân tích thống kê Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự thảo tiêu chí lựa chọn gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả” vừa được Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các số liệu thống kê thu thập được, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm hoàn thiện việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra.
  • Niềm tin đã trở lại
    8 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vụ án hình sự về hành vi “kinh doanh trái phép” gây chấn động dư luận vừa khép lại với một cái kết có hậu, trực tiếp là với ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê “Xin chào” tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM khi các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tấn từ ngày 23/4 được ban hành.
  • Nhân ngày Sách Việt Nam 2016: Chạnh lòng nghĩ về sách nội
    8 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thiếu về số lượng,chất lượng còn nhiều điều đáng bàn, đó là lý do đưa đến thực trạng sách Việttrong nước và tại nước ngoài luôn yếu thế so với sách ngoại. Để có thêm cáinhìn về vấn đề này, Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với GS. Chu Hảo - nguyênThứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức nhân Ngày SáchViệt Nam(21/4) năm nay.
  • Tăng phí đường bộ tại các trạm BOT:  Cần cân nhắc sức chịu đựng  của người dân và DN
    8 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chủ trương huy động nguồn vốn theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) của ngành Giao thông là tư duy đột phá để gỡ nút thắt về vốn. Tuy nhiên, vì lợi nhuận hoàn vốn của các nhà đầu tư đã dẫn đến mức thu phí qua trạm BOT hiện rất cao, vượt quá sức chịu đựng của người dân và DN.
Chuyện về ngôi trường trong sương