Gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của bệnh nhân. Ảnh: TS
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định, gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ là nền tảng để đảm bảo tài chính bền vững, chất lượng dịch vụ y tế, ổn định nguồn tài chính và kiểm soát Quỹ BHYT, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của bệnh nhân, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thực hiện lộ trình xây dựng và triển khai gói dịch vụ này, thời gian qua, Bộ Y tế đã làm đầu mối, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và các bên liên quan triển khai các hoạt động, bao gồm thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng lộ trình thực hiện, dự thảo thành lập hội đồng thường trực về gói dịch vụ y tế cơ bản và hoàn thành điều tra thống kê BHYT tại 6 tỉnh, thành phố thí điểm.
Kết quả phân tích thống kê BHYT tại 6 tỉnh, thành phố, giai đoạn 2008-2014 cho thấy, nhóm dưới 19 tuổi và trên 60 tuổi có tỷ lệ tham gia BHYT rất cao. Nhóm trên 60 tuổi tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%; tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm trung niên thấp rõ rệt và thấp nhất ở nhóm tuổi từ 40-59.
Chi phí khám, chữa bệnh nội trú ở mức tương đối ổn định, khoảng 15-20%/năm song chi phí khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú ở nhóm người cao tuổi đều chiếm tỷ lệ cao hơn và có sự khác biệt rõ rệt giữa các tỉnh. “Đáng chú ý, tỷ lệ chi khám, chữa bệnh từ Quỹ BHYT so với tổng số thu BHYT có xu hướng giảm rõ rệt từ năm 2012-2013 và hiện đang ở mức từ 65-70%” - ông Giang Thanh Long - Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học chia sẻ phát hiện quan trọng trong Báo cáo kết quả phân tích thống kê BHYT trong lộ trình xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản.
Từ kết quả phân tích trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các vấn đề cần quan tâm trong thực hiện chính sách và các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, gói dịch vụ y tế cơ bản cần bao gồm tất cả các dịch vụ cần thiết cho nhóm cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Hầu như tất cả nhóm cao tuổi hiện nay đang có BHYT và là nhóm sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất, chiếm khoảng 50% chi phí khám, chữa bệnh nội trú. Do đây là nhóm điển hình sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT nhiều nhất nên bất cứ thay đổi nào trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho nhóm người cao tuổi sẽ có tác động lớn tới tình hình tài chính chung của Quỹ BHYT, đặc biệt là với nhóm dân số già hóa.
Liên quan đến chiến lược tăng tỷ lệ tham gia BHYT lên đến 80%, nhóm nghiên cứu đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng cần tập trung tăng tỷ lệ tham gia ở nhóm tuổi từ 20-39 và từ 40-59. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý cần thu thập thêm số liệu từ các cơ sở y tế, phân tích các chi phí cơ bản của việc cung cấp dịch vụ ở các tỉnh nhằm tìm hiểu lý do dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong chi phí cung cấp dịch vụ giữa các tỉnh.
Bà Mei Mei Peng - Phó Giám đốc Văn phòng Y tế, Quỹ phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, việc phân tích thống kê thiết kế gói quyền lợi BHYT sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét các tác động về tài chính của các lựa chọn này để có quyết sách phù hợp.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam là một vấn đề mới và khó. Cần phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định dịch vụ cơ bản/thiết yếu. Sau đó, thông qua 28 Hội đồng chuyên môn để loại bỏ, xây dựng điều kiện thanh toán cho các dịch vụ có tác động lớn nhất đến Quỹ BHYT, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Theo lộ trình, việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phải được xây dựng xong và áp dụng trên phạm vi toàn quốc trước năm 2018.